Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học được công bố ngày 20/7 trên tạp chí Scientific Reports (Anh).
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nam California phụ trách, được thực hiện với khoảng 8.000 người được trên khắp nước Mỹ. Những người này phải trả lời các câu hỏi về tình trạng sức khỏe nói chung và tình trạng bệnh COVID-19 của họ. Tần suất là 2 lần/tuần trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021.
Theo kết quả, hơn 20% người tham gia nghiên cứu cho biết có ít nhất một triệu chứng mới kéo dài hơn 12 tuần. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc hội chứng COVID kéo dài tăng đáng kể ở người béo phì, bị rụng tóc, đau đầu hoặc bị đau họng vào thời điểm bị mắc COVID-19.
Triệu chứng COVID kéo dài có khả năng kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí hơn một năm. (Ảnh: AP)
Tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sinh Qiao Wu tại trường lão khoa USC Leonard Davis School of Gerontology thuộc Đại học Nam California, cho biết, hội chứng COVID-19 kéo dài từ lâu đã trở thành mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng. 23% người Mỹ bị mắc hội chứng này là một tỷ lệ rất cao và có thể lây lan sang hàng triệu người.
Cũng theo ông Wu, việc có thêm kiến thức về mức độ lây lan, các triệu chứng kéo dài và các yếu tố gây rủi ro của hội chứng COVID-19 kéo dài có thể giúp cơ quan y tế phân bổ các nguồn lực và dịch vụ để giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.
Mặc dù hội chứng COVID kéo dài khá phổ biến nhưng nghiên cứu về hội chứng này còn rất ít, do đó vẫn chưa có định nghĩa và phương pháp điều trị cụ thể. Các dấu hiệu của hội chứng này có thể từ nhẹ để nặng, với các triệu chứng có khả năng kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là hơn một năm. Viện Y tế quốc gia (NIH) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đang đặt mục tiêu nghiên cứu hội chứng COVID kéo dài trong mùa hè này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!