Không ít nhà lãnh đạo các nước đã công khai bác bỏ lập luận của Washington rằng Huawei gây ra những mối đe dọa an ninh không thể kiểm soát được.
Anh, Đức không gạt bỏ Huawei
Hồi cuối tháng 1, Anh – đồng minh thân thiết của Mỹ đã khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump thất vọng khi cho phép Huawei có vai trò hạn chế trong phát triển mạng lưới di động không dây thế hệ thứ 5 (5G) tại nước này. Quyết định của London được đưa ra bất chấp việc Washington đe dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với bất kỳ nước nào sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng của mình. Và có vẻ như, ngoài cuộc điện thoại đầy giận dữ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson, London sẽ không phải đối mặt với hậu quả gì đáng kể từ quyết định của mình.
Giờ đây, đến lượt 1 quốc gia khác là Đức dường như cũng sẵn sàng đi theo con đường tương tự ngay cả khi một loạt quan chức Mỹ, từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo cho tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper liên tiếp đưa ra cảnh báo, thậm chí đe dọa tại Hội nghị An ninh Munich hồi cuối tuần qua.
Trong các bài phát biểu công khai và tại các cuộc thảo luận riêng tư, cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper của Mỹ đều tiếp tục cảnh báo về "mối đe dọa" của việc để một công ty Trung Quốc tham gia những hệ thống mạng đang kiểm soát các hoạt động thông tin liên lạc quan trọng. Theo các quan chức này, một bước đi như thế sẽ cho phép Bắc Kinh có khả năng do thám hoặc đánh sập các mạng này khi xảy ra xung đột. Những rủi ro an ninh như thế là quá nghiêm trọng, và khiến cho nước Mỹ không thể tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với bất kỳ quốc gia nào sử dụng các thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng của mình.
Bộ trưởng Esper cảnh báo "Nếu các quốc gia lựa chọn Huawei, điều này có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động chia sẻ thông tin tình báo mà chúng ta đang nói tới, và có thể hủy hoại liên minh, hay ít nhất là mối quan hệ giữa chúng tôi và quốc gia đó".
Châu Âu phớt lờ cảnh báo từ phía Mỹ
Theo tờ Politico, Châu Âu dường như đang bỏ ngoài tai những cảnh báo của Mỹ về mạng 5G của Trung Quốc. Nhiều quốc gia tỏ ra hào hứng với việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, và do đó, muốn theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với quốc gia châu Á này.
Trên thực tế, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về Huawei khiến nhiều nước đồng minh của Washington ở châu Âu lâm vào thế khó. Họ buộc phải lựa chọn giữa việc phớt lờ cảnh báo của Mỹ hoặc chọc giận Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng. Với trường hợp của Đức, trong khi giới chức tình báo nước này ngày càng có xu hướng ủng hộ việc xem xét những rủi ro từ thiết bị của Huawei đối với an ninh quốc gia, chính quyền Thủ tướng Angela Merkel lại bận tâm nhiều hơn vào những tác động có thể xảy ra đối với hàng xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc. Nỗi lo này càng trở nên lớn hơn, sau khi phía Trung Quốc ngầm cảnh báo rằng, ô tô của Volkswagen, BMW, Daimler có thể sẽ là đối tượng bị trả đũa nếu Huawei gặp phải những rào cản.
Hiện, chính phủ Mỹ vẫn đang đạt được một số bước tiến trong việc ngăn chặn Huawei tham gia sâu hơn vào các hệ thống mạng viễn thông trên thế giới. Australia đã thẳng thừng ngăn cấm Huawei, trong khi Nhật Bản từ chối một cách gián tiếp. Ba Lan – quốc gia đang rất mong muốn thiết lập một liên minh sâu sắc hơn với Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ biến Huawei trở thành kẻ ngoài cuộc, trong khi Italy – sau thời gian đầu hào hứng với khoản đầu tư 3 tỷ USD từ Huawei, giờ cũng đã bắt đầu cân nhắc lại các thỏa thuận. Tuy nhiên, với những diễn biến tại các quốc gia đồng minh thân cận là Anh và Đức, uy tín của chính quyền Washington rõ ràng đã bị tổn hại nặng nề.
Cắt đứt nguồn cung chip cho Huawei
Sau khi nhận thấy những cảnh báo, đe dọa không thể phát huy tác dụng ở châu Âu, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuyển hướng sang những cách thức tiếp cận khác. Một trong những chiến lược được lựa chọn là làm tê liệt Huawei bằng cách ngăn cản công ty này tiếp cận với những công nghệ Mỹ mà họ cần.
Theo Reuters, để cắt đứt nguồn cung cấp chip của Huawei trên toàn cầu, Mỹ sẽ thay đổi quy định "Sản phẩm trực tiếp nước ngoài" (FDP), áp dụng với một số mặt hàng sản xuất ở nước ngoài dựa trên công nghệ và phầm mềm Mỹ. Theo dự thảo sửa đổi, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị có nguồn gốc Mỹ để sản xuất chip phải được cơ quan quản lý của Mỹ cấp phép trước khi bán sản phẩm cho Huawei.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, những cáo buộc gần đây của Mỹ đối với Huawei, gồm âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, "khẳng định quy trình cấp phép là vô cùng cần thiết. Mỹ đang có mối quan ngại sâu sắc đối với Huawei".
Dữ liệu của công ty phân tích thị trường China’s Everbright Security cho thấy, hầu hết các nhà sản xuất chip hiện nay phụ thuộc vào thiết bị của các công ty Mỹ như KLA, Lam Research, Applied Materials. Everbright nhận định "Tại Trung Quốc, không có dây chuyền sản xuất nào sử dụng toàn bộ thiết bị lắp ráp trong nước. Do đó, việc sản xuất chip mà không có thiết bị của Mỹ là điều rất khó".
Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ cũng e ngại những quy định khắt khe tại quốc gia này sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo ở các quốc gia khác, qua đó mang lại lợi ích cho chính đối thủ của Mỹ. Reuters cảnh báo, hạn chế thương mại mới không chỉ ảnh hưởng tới các công ty Đài Loan như TSMC, hay Trung Quốc như Huawei, HiSilicon, mà còn tạo ra tác động không nhỏ tới các công ty Mỹ, như Apple, Qualcomm.
Một đối trọng mới với Huawei?
Không chỉ kiềm chế Huawei, việc cung cấp cho châu Âu một lựa chọn thay thế, đủ khả năng trở thành đối trọng cạnh tranh với Huawei cũng là điều mà giới chức Mỹ đang tính đến. Bởi theo như cựu Tổng thống Estonia Toomas Ilves nhận xét "Bạn không thể chỉ nói mỗi câu: đừng mua hàng của Huawei, mà không đưa ra bất kỳ sự thay thế nào."
Tính đến thời điểm hiện tại, hai công ty có thể là đối thủ thật sự của Huawei trong lĩnh vực mạng 5G là Nokia và Ericsson. Hai doanh nghiệp châu Âu này tuyên bố đã triển khai nhiều mạng 5G hơn Huawei nhưng lại gặp khó trong cuộc chiến về giá với Huawei hoặc theo kịp tốc độ nghiên cứu, phát triển của công ty Trung Quốc.
Giới chức Mỹ hiện vẫn chưa thể thống nhất trong việc tìm ra một lựa chọn thay thế khả dĩ cho châu Âu. Nhiều phương án khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn đã được đưa ra. Theo Bộ trưởng Tư pháp William Barr, chính phủ Mỹ nên thâu tóm cổ phần của Nokia và Ericsson. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại cho rằng, lựa chọn tốt nhất chính là "sử dụng sức mạnh của thị trường tự do và các công ty Mỹ". Trong các cuộc họp, Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng thúc giục các công ty Mỹ sớm tham gia cạnh tranh để đối đầu với các công ty Trung Quốc.
Mới đây, trong chuyến thăm Lisbon, Bồ Đào Nha, Phó thư ký phụ trách vấn đề chính sách thông tin và liên lạc quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Strayer cho rằng Huawei "không hề" tiến bộ hơn các đối thủ trong lĩnh vực 5G. Quan chức này cho biết Mỹ khuyến khích các quốc gia châu Âu thận trọng cân nhắc các tiêu chí an ninh và kinh tế khi sử dụng các công nghệ của Huawei trong khi các tập đoàn như Ericsson, Nokia and Samsung cũng cung cấp công nghệ 5G với chất lượng tương đương. Theo ông Strayer, các nhà cung cấp như Ericsson và Nokia sẽ sử dụng một kiến trúc mở, với nhiều chức năng hơn, tạo ra cơ hội cho các công ty tại Mỹ và EU cung cấp các thiết bị tương thích. Bên cạnh đó, các công ty Mỹ như Dell, Cisco, Juniper và VMware cũng như nhiều công ty khác tại châu Âu cũng muốn đóng vai trò trong lĩnh vực công nghệ 5G trong tương lai.
Nguồn: New York Times, Politico, Reuters, CNN
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!