Hơn 365,55 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 74,4 triệu ca mắc và hơn 900.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 233.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hơn 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 13 - 20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận một tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận hai tuần trước đó. Đây là dữ liệu trong báo cáo "Trẻ em và COVID-19: Báo cáo dữ liệu cấp bang" do Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi cập nhật và công bố mới đây.
Theo đó, số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đang tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận 10,6 triệu trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 40,37 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 491.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Ngày 27/1, chính quyền vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ đã quyết định chấm dứt lệnh giới nghiêm cuối tuần và các biện pháp phòng dịch tại các khu chợ ở vùng thủ đô. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm vào ban đêm vẫn có hiệu lực. Nhà hàng, quán rượu và rạp chiếu phim sẽ được phép đón khách tương đương 50% khả năng phục vụ. Các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa. Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp giữa chính quyền vùng Delhi với Thống đốc Anil Baijal, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại khu vực này đang có xu hướng giảm.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 624.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 24,55 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Các chuyên gia y tế trên toàn thế giới hy vọng rằng, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao nhưng độc lực nhẹ hơn, qua đó sẽ giúp chuyển đổi COVID-19 từ một đại dịch sang thành bệnh đặc hữu và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, Tiến sĩ Gregory Poland, nhà dịch tễ học tại bệnh viện Mayo hàng đầu nước Mỹ, cho rằng dịch bệnh này có thể sẽ còn tồn tại cho tới tận thế kỷ 22.
Một số nước tại châu Âu bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa do biến thể Omiron, trong bối cảnh các nước nhận thấy mối nguy hại của biến thể này là không nghiêm trọng.
Ngày 27/1, Anh đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế vốn được áp dụng trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Vậy là từ hôm nay, người dân Anh sẽ không phải tuân thủ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang tại những không gian khép kín và xuất trình "hộ chiếu vaccine". Đây vốn là các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Tuy nhiên, hành khách vẫn phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông tại thủ đô London.
Việc dỡ bỏ những hạn chế này được thực hiện sau khi hơn 37 triệu người Anh đã được tiêm các mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Số ca mắc bệnh cũng đã giảm mạnh trong hai tuần qua và mặc dù vẫn ở mức cao nhưng đã duy trì theo chiều hướng ổn định những ngày gần đây. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh ghi nhận, chiến dịch tiêm mũi tăng cường đã cho phép dỡ bỏ các hạn chế. Ông nhấn mạnh rằng, các loại vaccine, xét nghiệm và thuốc kháng virus đảm bảo nước Anh có được một số "lá chắn phòng thủ" mạnh nhất châu Âu, cũng như cho phép có thể thận trọng trở lại Kế hoạch A, tức là khôi phục cuộc sống tự do hơn.
Ngày 27/1, Anh đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Tại Đức, tình hình dịch bệnh tiếp tục xu hướng phức tạp khi số ca mắc mới trên cả nước lần đầu tiên vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày, trong đó các quận ở thủ đô Berlin là điểm nóng nhất về tỷ lệ nhiễm bệnh.
Số liệu của Viện Robert Koch (RKI) ngày 27/1 cho biết, lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao kỷ lục với 203.136 ca, tăng 52% so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn ổn định ở mức dưới 200 trường hợp (188 người) liên tục trong những ngày qua. Cùng với số ca nhiễm mới tăng mạnh, chỉ số nhiễm bệnh trung bình 7 ngày ở Đức cũng tăng lên mức cao chưa từng có và lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000/100.000 dân, cụ thể ghi nhận trong 24 giờ qua là 1.017,4, tăng mạnh so với mức 940,6 của ngày trước đó.
Từ ngày 1/2 tới đây, Đan Mạch sẽ chính thức dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. Đây là tuyên bố của Thủ tướng nước này, bà Mette Frederiksen trong một buổi họp báo.
Ngoài việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, cũng từ đầu tháng 2, COVID-19 sẽ không còn được coi là mối nguy hại nghiêm trọng đối với xã hội Đan Mạch. Thủ tướng Đan Mạch khẳng định, những tuần sắp tới sẽ khó khăn do số ca nhiễm mới đang tăng cao, nhưng Chính phủ nước này cho rằng, các biện pháp hạn chế không còn phù hợp với tình hình hiện tại, khi mà biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn những biến thể trước và các ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hơn nhờ đã tiêm vaccine.
Ngày 27/1, Australia đã ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 giảm trong khi số ca nhập viện vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, Australia ghi nhận thêm 59 người tử vong, giảm so với mức cao nhất 87 ca vào ngày 26/1. Số ca nhập viện vì mắc COVID-19 vẫn duy trì ở mức khoảng 5.000 ca trong vài ngày qua, đạt mức cao nhất gần 5.400 ca vào ngày 25/1. Trong đó, bang New South Wales, bang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, ghi nhận số ca nhập viện giảm trong ngày thứ hai liên tiếp.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Australia hiện vào khoảng 46.000 ca/ngày, giảm mạnh so với mức đỉnh khoảng 150.000 ca/ngày cách đây 2 tuần. Đến nay, Australia ghi nhận tổng cộng hơn 2,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 3.389 người tử vong.
Các Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục của Bỉ mới đây đã nhất trí rằng, các lớp học sẽ không đóng cửa kể cả khi có các trường hợp mắc COVID-19. Chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà. Quyết định mới này có hiệu lực từ ngày 27/1 ở vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan) và ngày 26/1 ở vùng Wallonie (vùng nói tiếng Pháp), thay thế các biện pháp hiện hành là đóng cửa lớp học trong vòng 7 ngày khi trong lớp có 4 học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Biện pháp này cũng áp dụng cho nhà trẻ. Các lớp học hiện đang đóng cửa sẽ được mở lại sau khi thời gian cách ly hiện tại kết thúc.
Israel thông báo, nước này sẽ triển khai tiêm chủng mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi trong nỗ lực đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này. Đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ tư là người trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế Israel, hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi thứ tư.
Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Truyền thông sở tại cho biết, Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit đã thông báo kế hoạch này sau cuộc họp của Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm vào ngày 27/1.
Theo Tiến sĩ Kiattiphum, ủy ban trên đã lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật bao gồm không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine.
Ngày 27/1, Thái Lan ghi nhận thêm 8.078 ca mắc mới và 22 trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc lên trên 2,4 triệu người, trong đó có 22.098 bệnh nhân không qua khỏi.
Hàn Quốc đã khởi động sớm hệ thống phản ứng mới để ứng phó với biến thể Omicron, thay vì kích hoạt sau Tết Nguyên đán như kế hoạch ban đầu. Hệ thống này tập trung giảm thiểu các ca bệnh nặng và tử vong, đồng thời ngăn chặn tình trạng quá tải của hệ thống y tế. Các phòng khám và bệnh viện địa phương sẽ tiến hành xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân. Phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ được sử dụng thay thế xét nghiệm PCR tại các điểm khám sàng lọc, ngoại trừ đối với các nhóm có nguy cơ cao.
Ngày 26/1, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Hàn Quốc đã lần đầu vượt mức 13.000 người/ngày. Trong khi đó, ngày 27/1, Hàn Quốc xác nhận 14.514 trường hợp nhiễm mới và 34 bệnh nhân tử vong.
Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan trong ngắn hạn. (Ảnh: AP)
Ngày 27/1, Indonesia đã ghi nhận thêm 8.077 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 3/9/2021, nâng tổng số người nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ đầu đại dịch lên 4,3 triệu trường hợp, trong đó có 144.261 bệnh nhân tử vong. Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới kể từ ngày 11/1 vừa qua sau kỳ nghỉ lễ cuối năm kéo dài, trong khi các cơ quan y tế đang gồng mình ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 27/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, tổng số ca nhiễm Omicron đã tăng thêm 222 trường hợp trong 24 giờ qua lên mức 1.988 ca, trong đó có 3 người tử vong và 768 người khác đã bình phục. Theo số liệu của Bộ Y tế nướcnày, chỉ 5 - 6% bệnh nhân nhiễm Omicron cần trợ thở, trong khi hầu hết các bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, sổ mũi và không cần nhập viện điều trị.
Dịch COVID-19 tại Nhật Bản sẽ tiếp tục lây lan trong ngắn hạn là nhận định chung của các chuyên gia y tế nước này tại hội nghị do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp ứng phó làn sóng lây nhiễm đang diễn biến phức tạp. Tại hội nghị, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Nhật Bản đã tiến hành phân tích các dữ liệu liên quan, bao gồm nguyên nhân, độ tuổi, vùng miền… cũng như thảo luận các giải pháp ứng phó trước mắt cũng như lâu dài.
Ngày 27/1, Nhật Bản ghi nhận 69.736 ca mắc mới COVID-19, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế của thủ đô Tokyo đã là 42,8%, cách không xa mốc 50%, mốc mà khi đó chính quyền Tokyo sẽ phải tính đến phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.
Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực trong thành phố nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, trong bối cảnh chưa đầy 10 ngày nữa sẽ khai mạc Olympic mùa Đông tại thành phố này, dự kiến vào ngày 4/2.
Quận Phong Đài ở Bắc Kinh đã mở rộng áp dụng quy định người dân không rời khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tiến hành xét nghiệm hàng ngày. Trước đó, quận Phong Đài đã phong tỏa một số khu vực, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn cư dân. Quận này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn bất kỳ quận nào khác trong làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Bắc Kinh,
Chính quyền thành phố Bắc Kinh không áp đặt phong tỏa bất kỳ quận nào, nhưng một số quận hiện tự áp đặt hạn chế đi lại tại một số khu vực. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 27/1 cho biết, thủ đô Bắc Kinh ghi nhận 5 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng trong cộng đồng trong 24 giờ qua, giảm so với 14 ca một ngày trước đó.
Trên phạm vi cả nước, Trung Quốc đại lục ghi nhận 25 ca lây nhiễm mới có triệu chứng trong cộng đồng và không có thêm ca tử vong nào. Như vậy, đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 105.811 ca mắc COVID-19 có triệu chứng, trong đó có 4.636 người thiệt mạng.
Ban Tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 ngày 27/1 thông báo đã phát hiện 23 ca mắc COVID-19 mới có liên quan tới sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này. Trong số các ca mắc này có 15 người là những người mới nhập cảnh tại sân bay, còn 8 trường hợp được phát hiện trong quy trình "bong bóng khép kín" COVID-19 của Ban tổ chức.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ 21 ngày xuống còn 14 ngày. Người đứng đầu Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 5/2 tới. Động thái trên được đưa ra sau nhiều tháng chính quyền Hong Kong chịu sức ép từ các nhà ngoại giao và người phụ trách tài chính, những người cho rằng quy định cách ly 21 ngày nói trên đang hủy hoại khả năng cạnh tranh của đặc khu.
Người dân Hong Kong trở về từ 160 quốc gia hiện đang bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại cách khách sạn được chỉ định và phải tự trả mọi chi phí.
Vaccine COVID-19, thuốc điều trị và miễn dịch tự nhiên do từng mắc bệnh, đang được cho là những yếu tố dập đại dịch COVID-19, ít nhất là khiến cho nó không còn ở mức độ như hai năm qua. Đây là xu hướng nhận định của một bộ phận các chuyên gia hiện nay. Và nếu xu hướng này được thời gian khẳng định, làn sóng Omicron có thể sẽ là cái kết của đại dịch.
Giáo sư Eran Segal, cố vấn cao cấp về chính sách COVID-19 của Chính phủ Israel, cho rằng, biến thể Omicron lan rất nhanh, nhưng gây bệnh nhẹ chính là đang báo hiệu dấu chấm hết của đại dịch COVID-19 kéo dài hơn hai năm qua. Việc Omicron gây bệnh nhẹ hơn đang là câu trả lời mà các nhà khoa học chờ đợi từ lâu cho câu hỏi chứa đầy hy vọng rằng khi nào COVID-19 chuyển từ cấp độ đại dịch sang mức độ một căn bệnh đặc hữu như cúm mùa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!