Mỹ không thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh có sức công phá lớn

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ ba, ngày 19/04/2022 19:00 GMT+7

Tên lửa phóng từ tàu USS Lake Erie của Hải quân Mỹ nhằm vào một vệ tinh không còn hoạt động năm 2008. (Ảnh: CNBC)

VTV.vn - Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 18/4 cam kết chấm dứt thử tên lửa chống vệ tinh tại Mỹ.

Cụ thể, Mỹ cam kết sẽ không tiến hành các vụ thử tên lửa chống vệ tinh có sức công phá mạnh đến mức có thể tạo ra một lượng lớn mảnh vỡ trên quỹ đạo và gây nguy hiểm cho các phi hành gia cũng như phá hủy vệ tinh. Đây là tuyên bố được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra vào ngày 18/4, vài tháng sau khi bà Harris phát biểu tại cuộc họp vào tháng 12/2021 rằng, các quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng sẽ hợp tác với Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều cơ quan khác để phát triển đề xuất về quy tắc an ninh vũ trụ quốc gia.

Như vậy, Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra cam kết này. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết, nhiều quan chức Nhà Trắng nhận định, quyết định này nhằm nhấn mạnh đến hy vọng về thiết lập các tiêu chuẩn mới cho động thái quân sự trong vũ trụ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng kêu gọi các quốc gia khác đưa ra cam kết tương tự. Đồng thời, bà Harris cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực đưa các cam kết như vậy trở thành một "quy chuẩn quốc tế mới về cách hành xử có trách nhiệm trong không gian".

Mỹ không thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh có sức công phá lớn - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: AP)

Theo thống kê, từ thập niên 1960 đến nay, các vụ thử tên lửa chống vệ tinh trên vũ trụ đã tạo ra hơn 6.300 mảnh vỡ. Đến nay vẫn còn 4.300 mảnh vụn trong số này trôi nổi trong không gian, tạo ra những mối đe dọa về lâu dài đối với các chuyến bay của con người, sứ mệnh khoa học và an ninh quốc gia cùng sự phát triển kinh tế trong tương lai của không gian.

Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc Nga và Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh. Tuy nhiên, cách đây 14 năm, Mỹ từng phóng tên lửa đánh chặn từ một chiến hạm của Hải quân nước này để phá hủy một vệ tinh do thám bị trục trặc.

Nga vào tháng 11/2021 đã phóng tên lửa tiêu hủy một vệ tinh từ thời Liên Xô cũ không còn hoạt động. Sự kiện này đã tạo ra hơn 1.500 mảnh rác thải vũ trụ. AP cho biết, năm 2007, Trung Quốc cũng tiến hành thử nghiệm tương tự, tạo ra nhiều mảnh rác thải vũ trụ. Năm 2008, Mỹ đã thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh và đến năm 2019, Ấn Độ cũng tiến hành động thái này nhưng nhằm vào vệ tinh ở độ cao thấp, khoảng 420 km.

Rác thải vũ trụ va chạm làm thủng thiết bị của trạm ISS Rác thải vũ trụ va chạm làm thủng thiết bị của trạm ISS

VTV.vn - Tạp chí Science Alert đưa tin rằng một mảnh vụn rác thải vũ trụ đã va, làm hư hỏng một phần của Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước