Mỹ - Trung Quốc thừa nhận sự rạn nứt trong quan hệ là không cần thiết và có hại cho nền kinh tế

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:53 GMT+7

VTV.vn - Ba tiếng hội đàm không thể tháo gỡ hết những bất đồng, nhưng nó là cơ hội để giúp mối quan hệ giữa hai nước tránh đi theo chiều hướng xung đột và đối đầu.

Mỹ và Trung Quốc bước vào hội đàm với ngổn ngang bất đồng. Từ vấn đề điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại kéo dài, vấn đề sở hữu công nghệ cho tới vấn đề Đài Loan hay Tân Cương. Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhận sự rạn nứt trong quan hệ hai nước thời gian qua là không cần thiết và có hại cho nền kinh tế mỗi bên. Hai bên đều đưa ra thông điệp phát triển quan hệ Mỹ - Trung lành mạnh và ổn định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Trách nhiệm của chúng ta - với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không dẫn tới xung đột, cho dù là trong dự định hay ngoài ý muốn".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: "Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hợp tác. Hai nước nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi".

Mỹ - Trung Quốc thừa nhận sự rạn nứt trong quan hệ là không cần thiết và có hại cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi lập trường xung quanh vấn đề cạnh tranh mạnh mẽ giữa hai nước về công nghệ và chính sách công nghiệp trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm tránh nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Trung Quốc và Mỹ đều nhấn mạnh tới việc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác đôi bên cùng có lợi. Cuộc hội đàm trực tuyến này là cuộc trao đổi quan trọng nhất giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức hồi đầu năm nay. Kể từ thập niên 1980, mọi tổng thống Mỹ đều tiến hành cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Đồng thuận giải quyết vấn đề của toàn cầu về biến đổi khí hậu

Trước hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã có 2 cuộc điện đàm trong đó đề cập về những điểm bất đồng và hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cùng có lợi. Hai bên đồng thuận về giải quyết vấn đề của toàn cầu về biến đổi khí hậu. Rõ nhất là Mỹ và Trung Quốc đã cùng ra tuyên bố chung về "Tăng cường hành động vì khí hậu" tại COP 26 vừa qua. Hai bên cam kết giải quyết vấn đề khí thải methan, chuyển đổi năng lượng sạch, giảm phát thải. Cùng thành lập nhóm làm việc chung, nhóm họp để thảo luận các giải pháp.

Mỹ - Trung Quốc thừa nhận sự rạn nứt trong quan hệ là không cần thiết và có hại cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Trước đó, Đặc phái viên về khí hậu Mỹ John Kerry cùng người đồng cấp Trung Quốc cũng gặp nhau đạt đồng thuận về các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Bởi là hai nước thải ra gần một nửa lượng khói nhiên liệu hóa thạch đang làm ấm bầu khí quyển nên thế giới rất hoan nghênh sự đồng thuận của hai nước vạch ra mục tiêu để tiến tới phát thải bằng 0.

Dù hai bên vẫn còn nhiều bất đồng trong quan hệ thương mại nhưng thực tế thấy rằng vì an ninh lương thực, năng lượng cho đất nước tỷ dân nên gần đây Trung Quốc tăng cường mua nhiều hơn nông sản, khí gas từ Mỹ. Các chuyên gia cho rằng hai bên cũng chia sẻ nhiều lợi ích bởi Trung Quốc có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó nhiều linh kiện sản xuất tại đây phục vụ cho nền công nghiệp của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden giảm thuế, mở các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc thế nào?

Còn quá sớm để khẳng định việc Mỹ sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 2, nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ làm như vậy, bởi lẽ thứ nhất, cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc được đánh giá là thẳng thắn và tích cực. Không khí này sẽ tạo điều kiện cho hai bên dễ dàng thảo luận các vấn đề cụ thể về thuế nói riêng và thương mại nói chung.

Mỹ - Trung Quốc thừa nhận sự rạn nứt trong quan hệ là không cần thiết và có hại cho nền kinh tế - Ảnh 3.

Thứ hai, trong những ngày này, nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức kỷ lục trong 30 năm qua. Giá cả hầu hết các loại hàng hóa đều tăng, mà hàng hóa của Mỹ hầu như đều là hàng nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là nhà sản xuất lớn. Thời gian qua, Mỹ cũng đã tìm các đối tác khác để thay thế và đã tìm được, nhưng số lượng chưa nhiều, chưa thể thay thế được nhà cung cấp từ Trung Quốc. Điều này cộng với việc gián đoạn nguồn cung do dịch bệnh đã góp phần đẩy lạm phát tăng lên mức kỷ lục.

Và như vậy giảm thuế để giảm giá hàng hóa là một nhu cầu có thật. Nhưng có một thực tế trước khi đưa ra quyết định, Mỹ thường đưa ra các yêu cầu phi thương mại khác, hoặc cũng yêu cầu phía Trung Quốc phải có động thái tương tự. Vì vậy, khả năng giảm thuế là có nhưng cụ thể thế nào, thời điểm nào thì vẫn phải chờ.

Các nhà phân tích cho rằng các tương tác gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra khá tích cực, cho thấy hai bên đang nỗ lực kiểm soát bất đồng. Cuộc hội đàm trực tuyến lần này không phải để khởi động lại quan hệ Trung - Mỹ, nhưng nó sẽ thúc đẩy hai bên đạt được đồng thuận mới về các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh song phương.

Cuộc gặp Mỹ - Trung: Thông điệp quan trọng về việc hàn gắn quan hệ hai bên Cuộc gặp Mỹ - Trung: Thông điệp quan trọng về việc hàn gắn quan hệ hai bên

VTV.vn - Hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp trực tuyến. Đây là cuộc gặp thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Mỹ - Trung

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước