Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP)
Nguyên nhân của yêu cầu rời khỏi Ukraine nói trên là "do mối đe dọa tiếp tục xảy ra" về một cuộc tấn công quân sự của Nga.
Washington đã yêu cầu các nhân viên đại sứ quán không quan trọng phải rời đi "tự nguyện" và kêu gọi các công dân Mỹ ở quốc gia Đông Âu này "cân nhắc việc rời đi ngay lập tức", nói rằng họ sẽ không có khả năng sơ tán sau bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra từ phía Nga.
Nga đã triển khai hàng chục nghìn quân ở biên giới với Ukraine, cùng với một số lượng lớn vũ khí hạng nặng gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo và tên lửa. Động thái trên của Nga đã làm dấy lên những cảnh báo nghiêm khắc từ Washington và châu Âu nhưng cho đến nay, các biện pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng vẫn mang lại ít kết quả.
Đại sứ quán Mỹ vẫn mở cửa và bà Kristina Kvien, Đại sứ Mỹ tại Ukraine, hiện đang có mặt ở nước này.
Quan chức này nhắc lại những cảnh báo trước đó từ Nhà Trắng rằng một cuộc chiến có thể xảy ra vào "bất cứ lúc nào". Theo đó, "sẽ không thể sơ tán công dân Mỹ trong trường hợp cuộc chiến bất ngờ xảy ra", đồng thời kêu gọi các công dân Mỹ cân nhắc rời đi bằng phương tiện giao thông thương mại hoặc tư nhân càng sớm càng tốt.
Xe tải quân sự của Nga chở pháo tự hành MSTA-S cách điểm kiểm soát biên giới Nga-Ukraine tại thị trấn Donetsk, vùng Rostov-on-Don, Nga khoảng 10 km. (Ảnh: AP)
Bà Kristina Kvien từ chối nêu rõ số lượng công dân Mỹ đang có mặt ở Ukraine, nhưng đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 12/2021 đã đưa ra con số từ 10.000 đến 15.000 người.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo người dân không nên đến Ukraine vì có thể xảy ra một cuộc tấn công quân sự của Nga.
Ngày 23/1, Mỹ cũng khuyến cáo không nên đến Nga, đặc biệt là tới các khu vực ở biên giới với Ukraine, cảnh báo rằng người dân Mỹ có thể phải đối mặt với "tình trạng bất ổn" và Washington sẽ bị "hạn chế về khả năng" để hỗ trợ họ.
Điện Kremlin phủ nhận mọi ý định tấn công quân sự nước láng giềng Ukraine nhưng đang thực hiện việc giảm leo thang có điều kiện dựa trên các hiệp ước đảm bảo NATO không mở rộng thành viên, đặc biệt là với Ukraine, và rút liên minh khỏi Đông Âu.
Trước đó, vào ngày 23/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bác bỏ lời đồn đoán về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow trước bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào, đồng thời cho rằng, chúng nên được sử dụng như một phương tiện "ngăn cản" một cuộc tấn công. Theo ông Blinken, khi được kích hoạt, các biện pháp trừng phạt sẽ mất tác dụng răn đe. Vì vậy, những gì Mỹ đang làm là tăng cường phòng thủ ở Ukraine với sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!