Na Uy có chung đường biên giới dài 198 km với Nga. (Ảnh: RTE)
Chính phủ Na Uy cho biết trong một tuyên bố: "Công dân Nga có mục đích du lịch và các chuyến du lịch không cần thiết khác sẽ bị từ chối nhập cảnh qua biên giới bên ngoài (với Na Uy)".
Na Uy - quốc gia thành viên NATO có chung đường biên giới dài 198 km với Nga ở Bắc Cực - đã ngừng cấp hầu hết thị thực du lịch cho công dân Nga kể từ mùa xuân năm 2022 sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Chính phủ Na Uy hôm 23/5 cho biết lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch Nga sẽ ảnh hưởng đến những người đã nhận được thị thực Schengen từ Na Uy cả trước và sau khi nước này ngừng cấp giấy tờ này cho công dân Nga vào mùa xuân năm 2022, cũng như những người có thị thực từ các quốc gia khác trong khu vực Schengen.
Các trường hợp ngoại lệ sẽ được áp dụng cho mục đích nhập cảnh vào Na Uy để thực hiện công việc, học tập và những người đến thăm thân ở Na Uy.
Những người có thị thực dài hạn và người có thị thực từ các quốc gia thành viên Schengen khác cho đến khi lệnh cấm mới mới có hiệu lực có thể đi qua cửa khẩu biên giới Storskog-Boris Gleb - cửa khẩu duy nhất hiện còn mở giữa hai nước láng giềng này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl cho biết trong một tuyên bố hôm 23/5: "Quyết định thắt chặt các quy định nhập cảnh phù hợp với cách tiếp cận của Na Uy là sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong những phản ứng chống lại cuộc chiến của Nga nhằm vào Ukraine".
Phản ứng trước quyết định này, phía Nga cho biết đây là hành động phân biệt đối xử với người Nga. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không có ý định cấm nhập cảnh đối với công dân Na Uy, nhưng điều này không có nghĩa Nga sẽ không có biện pháp trả đũa.
Nước láng giềng Phần Lan đã áp đặt các hạn chế nhập cảnh tương tự đối với công dân Nga vào tháng 9/2022 khi hàng nghìn người vượt qua biên giới Nga - Phần Lan.
Vào tháng 8/2023, Moscow đã bổ sung Na Uy vào danh sách các quốc gia "không thân thiện", qua đó hạn chế số lượng nhân viên ngoại giao của Oslo ở Nga. Động thái này diễn ra sau các vụ trục xuất nhân viên ngoại giao "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước.
Mặc dù không phải là quốc gia thành viên EU nhưng Na Uy đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga song song với các biện pháp do khối này đưa ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!