Nạn hồng thủy trên dòng Trường Giang

Thái Bình (Phóng viên THVN tại Trung Quốc)-Thứ tư, ngày 22/07/2020 07:05 GMT+7

Nước lũ được xả tại Đập Tam Hiệp, 19/7/2020 (Nguồn: Xinhua)

VTV.vn - Lũ lụt trên dòng Trường Giang luôn là nỗi khiếp sợ bao đời nay ở Trung Quốc. Mực nước tại đập Tam Hiệp đã lập kỷ lục từ trước đến nay. Liệu đập có an toàn?

Câu chuyện về lũ lụt trên dòng Trường Giang (sông Dương Tử), con sông dài nhất Trung Quốc, dài nhất châu Á, dài thứ ba thế giới sau sông Nile và sông Amazon luôn là nỗi khiếp sợ, nỗi ám ảnh tự bao đời nay ở Trung Quốc.

Mưa lũ ở miền Nam Trung Quốc năm nào cũng có, nhưng năm nay mưa lũ bất thường bởi kéo dài hơn một tháng rưỡi, từ đầu tháng 6 đến nay.

Đại dịch COVID-19 tạm ổn thì hàng chục triệu người ở miền Nam, miền Trung, miền Đông Trung Quốc lại gồng mình đối phó với hai cơn lũ dữ: cơn hồng thủy số 1 và cơn hồng thủy số 2. Mực nước tại con đập thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp lập kỷ lục từ trước đến nay. Liệu đập có an toàn?

Lũ chồng dịch

Nạn hồng thủy trên dòng Trường Giang - Ảnh 1.

Thành phố Vũ Hán nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt (Nguồn: Xinhua)

Trong cả hai cơn lũ số 1 và số 2 từ đầu tháng 7 đến nay, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch COVID-19 của thế giới trước đây đều nằm trong danh sách bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nằm gần con đập lớn nhất thế giới Tam Hiệp.

Lũ chồng dịch, người dân thành phố 11 triệu dân Vũ Hán chống lũ trong tâm thế chưa hết sốc vì đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề quê hương, gia đình mất mát người thân, kinh tế kiệt quệ. Hầu hết các nhánh sông đều đạt mức cảnh báo lũ màu đỏ, mức cao nhất. Nhiều quận trung tâm của thành phố Vũ Hán nước ngập tới hơn 2/3 tầng 1 của các căn hộ chung cư.

Nhiều nơi lực lượng cứu hộ phải dùng thang dây để giải cứu người dân từ tầng cao. Các lực lượng cứu hộ dùng thuyền phao đi khắp các con phố để đưa người dân đến nơi an toàn.

Lũ chồng lũ

Cơn lũ lớn hoành hành dữ dội nhất ở miền Nam, miền Đông và miền Trung của Trung Quốc trong ba thập kỷ nay theo nhận định của nhiều chuyên gia là do tình trạng mưa lớn bất thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7.

Dải mây Meiyu (Mai Vũ) kết hợp với biến đổi khí hậu được xem là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến mưa lũ năm nay ở Trung Quốc kéo dài và nghiêm trọng. Riêng từ đầu đến giữa tháng 7, lưu vực sông Trường Giang ghi nhận hai trận lũ. Lũ chồng lũ khiến hàng loạt con sông, hồ chứa đạt mức cảnh báo lũ cao nhất, màu đỏ. Đó là sông Hoài, Thái Hồ, hồ Động Đình, Phàn Dương…

Hàng loạt đê bao bị vỡ do không chịu nổi áp lực nước quá lớn. Khi mực nước tại sông Trừ lên cao kỷ lục, tỉnh An Huy đã phải chủ động nổ mìn phá đê để nước chảy vào những cánh động rộng 11 km vuông, nơi ít dân sinh sống và mực nước sông Trừ đã giảm được 70cm.

Các chuyên gia đánh giá, thiệt hại về mưa lũ ở Trung Quốc chỉ đứng sau thảm họa bão Amphan tấn công Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5 và mưa bão ở Mỹ hồi tháng 4.

Chống lũ theo kiểu thời chiến

Nạn hồng thủy trên dòng Trường Giang - Ảnh 2.

Sơ tán dân trong lũ lụt ở tỉnh Giang Tây (Nguồn: Channel News Asia/AFP)

Từ giữa tháng 7, tỉnh Giang Tây đã trở thành địa phương duy nhất ở Trung Quốc nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lên màu đỏ, mức cao nhất. Mực nước tại hồ Phàn Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đã vượt đỉnh lũ lịch sử cách đây 22 năm, khiến hơn 5 triệu người bị ảnh hưởng. Trên hơn 2.200 km đê sông và đê hồ ở tỉnh Giang Tây, mực nước đã vượt mức cảnh báo.

Tỉnh Giang Tây đã huy động tất cả nguồn lực để phòng chống lũ như kiểu thời chiến. Lực lượng ứng phó lũ ngày đêm bồi đắp đê bao tại vùng trũng thấp, gõ cửa từng nhà để xem còn người dân trong nhà tại những vùng lũ chia cắt không.

Khi mực nước nhiều sông tại các tỉnh Hồ Bắc, An Huy, Chiết Giang và thành phố Trùng Khánh lên mức cao nhất kể từ năm 1961, các địa phương đều huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và được chi viện từ Trung ương để chống lũ theo kiểu thời chiến với cả trăm ngàn tình nguyện viên tham gia công tác cứu hộ, sơ tán dân và bảo vệ đê điều.

Tính đến giữa tháng 7, lũ lụt đã làm gần 38 triệu người dân ở 27 tỉnh thành của Trung Quốc bị ảnh hưởng, 141 người chết hoặc mất tích. Thiệt hại sơ bộ gần 12 tỷ USD.

Đập Tam Hiệp: Nước cao kỷ lục, liệu có an toàn?

Nạn hồng thủy trên dòng Trường Giang - Ảnh 3.

Đập Tam Hiệp xả lũ, 20/7/2020 (Nguồn: Xinhua)

Hôm 18/7, Đập Tam Hiệp ghi nhận dòng chảy vào hồ chứa 61 ngàn mét khối/giây và chảy ra 33 ngàn mét khối/giây. Như vậy, con đập đã ngăn lại 45% lượng nước lũ, giúp các tỉnh thành vùng trung lưu và hạ lưu giảm bớt lũ lụt. Đây là lập luận của Tập đoàn thủy điện Tam Hiệp nhằm phản bác lại một số chuyên gia phương Tây cho rằng Tam Hiệp không có tác dụng gì trong ngăn lũ, nhiều khi làm tình hình trầm trọng thêm.

Trong hai trận lũ vừa qua, Tam Hiệp đã trữ được 14 tỷ mét khối nước, trong khi dung tích thiết kế lên đến 22 tỷ mét khối. Mực nước cao nhất ghi nhận kỷ lục từ khi đưa con đập này vào vận hành là 164,18 mét, trong khi chiều cao con đập là 185 mét.

Những số liệu mà các cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra đều cho thấy con đập này an toàn. Trong khi đó, một số chuyên gia phương Tây lại tiếp tục nghi ngờ.

Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang bắc qua tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh vận hành cuối năm 2012, dài 2.335 mét, cao 185 mét so với mực nước biển. Hồ chứa dài 660 km, rộng 1,12 km, diện tích bề mặt nước 1.045km vuông. Kinh phí xây dựng theo Trung Quốc công bố là 25 tỷ USD. Phương Tây cho rằng con số này cao gấp ba lần.

Khi đập mới đi vào vận hành, nhiều thông tin trên báo chí Trung Quốc cho là đập Tam Hiệp có thể chống lại trận lũ tồi tệ nhất trong 10.000 năm, sau đó giảm xuống 1.000 năm và gần đây thì chỉ còn 100 năm.

Sông Trường Giang dài 6.300 km. Lưu vực sông này có khoảng 400 triệu người sinh sống, đóng góp 20% GDP của Trung Quốc.

Trong 10 trận mưa lũ thảm khốc trên thế giới gần đây thì chỉ riêng sông Trường Giang đã có 5 trận. Trận lũ vào năm 1911 khiến 100 ngàn người chết, trận vào năm 1931 khiến 145 ngàn người chết, trận vào năm 1935 khiến 142 ngàn người chết, trận vào năm 1954 khiến 30 ngàn người chết và trận vào năm 1998 khiến 4.150 người chết.

Nhờ đầu tư mạnh cho hệ thống đê điều, dự báo khí tượng thủy văn ngày càng chuẩn xác, sử dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong phòng chống bão lũ mà câu chuyện về nạn đại hồng thủy trên dòng Trường Giang đang ngày càng bớt bi thương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước