Các nhà đầu tư tài chính châu Âu đang quan tâm tới cổ phiếu của những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất lò phản ứng nguyên tử, cung cấp nguyên liệu phóng xạ và xử lý chất thải hạt nhân. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán châu Âu đang quan tâm xem năng lượng hạt nhân có được Liên minh châu Âu coi là năng lượng xanh hay không.
Tờ Domani ra tại Italy đăng bài của một nhà phân tích tài chính, rằng báo cáo của nhiều ngân hàng đầu tư nhận định, điện hạt nhân có thể là một kênh chứng khoán thú vị và giá nguyên liệu thô cũng đang tăng ấn tượng. Nguyên liệu thô mà bài báo nói tới là chất phóng xạ uranium. Bài báo viết rằng trên thị trường chứng khoán, từ lâu vẫn có thể đầu tư gián tiếp vào uranium bằng cách mua cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ, hoặc là cổ phiếu của các công ty buôn bán uranium.
Nếu nguyên tử được coi là năng lượng xanh như đề xuất của Tổng thống Pháp, thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được hưởng trợ cấp từ nhiều quỹ của Liên minh châu Âu và nhất là thị trường rộng mở. Ông Emmanuel Macron đang kêu gọi các công ty khởi nghiệp của Pháp quan tâm tới điện nguyên tử, với lời hứa đầu tư 1 tỷ Euro từ ngân sách quốc gia.
Ưu tiên của Pháp đang là sản xuất và xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ có thể phát điện hoặc tạo ra nhiệt năng. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ có thể sẽ cung cấp 10% năng lượng nguyên tử trên thế giới từ nay tới năm 2040.
Đây là một thị trường mà Pháp đang phải cạnh tranh với Mỹ, Anh và Trung Quốc. Sớm nhất cũng phải ba năm nữa mới có thể vận hành được những mẫu lò đầu tiên. Tờ ABC của Tây Ban Nha mô tả, lò phản ứng cỡ nhỏ có công nghệ tương tự như các nhà máy điện hạt nhân, nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều, một số thiết kế có thể hoạt động liên tục 40 năm mà không cần phải nạp thêm nhiên liệu.
Tờ Kronen Zeitung ra tại Áo giúp độc giả dễ hình dung, nhỏ là nhỏ tới mức nào. Một lò phản ứng công suất 300 MegaWatt có thể chuyên chở trên remorque xe đầu kéo, phù hợp cung cấp điện cho những nơi có lưới điện nhỏ và các vùng đất biệt lập. 300 MegaWatt tức là gần gấp 3 lần tổng công suất của nhà máy thủy điện Thác Bà.
Ba Lan đã ký hợp đồng xây dựng tại Ba Lan từ 4 đến 12 lò phản ứng hạt nhân loại này vào cuối năm 2030, nếu 12 lò thì giá trị hợp đồng sẽ là 4 tỷ USD. Giành được hợp đồng là một công tư tư nhân của Mỹ đang thiết kế lò phản ứng hạt nhân mini có đường kính chỉ 2,7 mét, công suất 60 MegaWatt, dự kiến sẽ cho ra mắt sản phẩm vào năm 2025. Công ty này cũng huy động vốn thông qua một quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán New York.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!