NASA công bố bốn phi hành gia cho sứ mệnh mặt trăng đầu tiên sau 50 năm

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ ba, ngày 04/04/2023 06:20 GMT+7

Các phi hành gia Reid Wiseman, Victor Glover, Jeremy Hanson và Christina Koch, thành viên phi hành đoàn của sứ mệnh Artemis II. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Ngày 3/4, NASA đã công bố người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Phi đầu tiên được chỉ định làm phi hành gia cho một sứ mệnh trên mặt trăng.

Theo đó, NASA đã giới thiệu nhóm bốn thành viên được chọn để bay trên hành trình đầu tiên của phi hành đoàn quanh mặt trăng sau hơn 50 năm.

Christina Koch, kỹ sư đã giữ kỷ lục về chuyến bay vào vũ trụ liên tục dài nhất của một phụ nữ và là thành viên trong nhóm phi hành gia toàn phụ nữ thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của NASA, được bổ nhiệm làm chuyên gia trong sứ mệnh bay lên mặt trăng Artemis II dự kiến diễn ra vào đầu năm 2024.

Bà Christina Koch sẽ tham gia cùng với Victor Glover, một phi công của Hải quân Hoa Kỳ và là phi hành gia thực hiện bốn chuyến đi bộ ngoài không gian, người được NASA chỉ định làm phi công của Artemis II. Ông Victor Glover sẽ là phi hành gia da màu đầu tiên được cử đi thực hiện sứ mệnh trên mặt trăng.

Bên cạnh đó, Jeremy Hansen, một đại tá Không quân Hoàng gia Canada, sẽ là công dân Canada đầu tiên được chọn cho chuyến bay lên mặt trăng, với tư cách là chuyên gia sứ mệnh. Và Reid Wiseman, một cựu phi công chiến đấu khác của Hải quân Mỹ, được chỉ định là chỉ huy sứ mệnh Artemis II.

Cả ba phi hành gia của NASA được chọn cho sứ mệnh Artemis II đều là những cựu quân nhân tham gia các chuyến thám hiểm trước đây trên Trạm vũ trụ quốc tế. Hansen là một tân binh du hành vũ trụ.

NASA công bố bốn phi hành gia cho sứ mệnh mặt trăng đầu tiên sau 50 năm - Ảnh 1.

Jeremy Hansen là công dân Canada đầu tiên được chọn tham gia sứ mệnh bay lên mặt trăng. (Ảnh: Reuters)

Artemis II sẽ đánh dấu chuyến bay đầu tiên có phi hành gia, nhưng không phải là chuyến hạ cánh đầu tiên lên mặt trăng của chương trình kế nhiệm Apollo nhằm đưa các phi hành gia trở lại bề mặt mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Mục tiêu của sứ mệnh là lập ra một tiền đồn bền vững ở đó như một bước đệm cho việc khám phá sao Hỏa của con người trong tương lai.

Nhiệm vụ khởi động Artemis I đã được triển khai thành công vào tháng 12/2022, đánh dấu sự ra mắt lần đầu tiên của siêu tên lửa mạnh mẽ thế hệ tiếp theo của NASA và tàu vũ trụ Orion mới được chế tạo của cơ quan này trong một chuyến bay thử nghiệm không người lái kéo dài 25 ngày.

Mục tiêu của hành trình Artemis II kéo dài 10 ngày, hành trình 1,4 triệu dặm (2,3 triệu km) quanh mặt trăng và ngược lại, là nhằm chứng minh rằng tất cả các thiết bị hỗ trợ sự sống của Orion và các hệ thống khác sẽ hoạt động như thiết kế với các phi hành gia trên tàu trong không gian.

Artemis II sẽ bay khoảng 6.400 dặm (10.300 km) bên ngoài phía xa của mặt trăng trước khi quay trở lại, đánh dấu lần vượt qua gần nhất mà con người đã thực hiện với vệ tinh tự nhiên của Trái đất kể từ Apollo 17, với hai phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt lên bề mặt mặt trăng vào tháng 12/1972 .

Họ là những người cuối cùng trong số 12 phi hành gia của NASA đã đi bộ trên mặt trăng trong sáu sứ mệnh Apollo bắt đầu từ năm 1969 cùng với Neil Armstrong và Edwin "Buzz" Aldrin.

Tàu vũ trụ Orion chuẩn bị trở về Trái đất sau sứ mệnh thám hiểm mặt trăng Artemis I Tàu vũ trụ Orion chuẩn bị trở về Trái đất sau sứ mệnh thám hiểm mặt trăng Artemis I

VTV.vn - Ngày 11/12, tàu vũ trụ không người lái Orion của NASA đã đi vào không gian trong chặng trở về cuối cùng của hành trình thám hiểm mặt trăng và quay trở lại Trái đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước