NASA mất 2 vệ tinh giám sát bão

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 13/06/2022 18:31 GMT+7

(Ảnh minh họa: NASA)

VTV.vn - Hai vệ tinh cỡ nhỏ của NASA đã không thể đi vào quỹ đạo do các tên lửa đẩy của công ty Astra dừng hoạt động trước khi đạt đến độ cao cần thiết.

Ngày 12/6, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, 2 vệ tinh cỡ nhỏ của cơ quan này dùng để nghiên cứu sự phát triển của các cơn bão đã không thể đi vào quỹ đạo do các tên lửa đẩy của công ty Astra dừng hoạt động trước khi đạt đến độ cao cần thiết.

Trong thông báo đăng tải trên tài khoản Twitter, Chương trình dịch vụ phóng tên lửa NASA nêu rõ, sau khi phóng lên tầng thứ nhất, tên lửa đẩy đã ngừng hoạt động sớm và không thể đưa vệ tinh TROPICS CubeSats lên quỹ đạo. NASA cho hay TROPICS CubeSats là một chùm gồm 6 vệ tinh "kích thước như hộp giày" dùng để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các cơn lốc xoáy nhiệt đới và tăng khả năng quan sát một cách thường xuyên hơn so với việc sử dụng các vệ tinh thời tiết hiện tại.

NASA và Astra đã có hợp đồng trị giá 7,95 triệu USD vào tháng 2/2021 để thực hiện 3 lần phóng, mỗi lần đưa hai vệ tinh TROPICS lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Với kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường phóng vệ tinh cỡ nhỏ, Astra cam kết đáp ứng được nhiều vụ phóng vệ tinh với sự linh hoạt cao hơn so với các công ty sử dụng loại tên lửa phóng cỡ lớn như SpaceX và Arianespace. Tuy nhiên, công ty mới khởi nghiệp này đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khi không thể sử dụng tên lửa hai tầng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Trong một sứ mệnh phóng vệ tinh CubeSat của NASA hồi tháng 2, tên lửa đẩy của Astra cũng đã gặp thất bại khi không thể đưa được vệ tinh vào quỹ đạo bởi vỏ bọc của các vệ tinh bị bong ra trong quá trình phóng.

Ông Chris Kemp, Giám đốc điều hành của Astra, cho biết, công ty sẽ lấy lại lòng tin của khách hàng bằng việc cung cấp dịch vụ để phóng thành công các vệ tinh TROPICS còn lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

NASA, vệ tinh

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước