Quân nhân Ukraine dỡ một lô hàng viện trợ quân sự được chuyển giao như một phần trong hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine, ngày 11/2. (Ảnh: AP)
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, đây là một cuộc chiến tranh tiêu hao, vì vậy cần phải tăng cường công tác hậu cần. Do đó, các nước thành viên NATO cần đẩy mạnh sản xuất và đầu tư vào năng lực sản xuất vũ khí.
Nhu cầu của Ukraine về vũ khí đạn dược hiện đã vượt quá khả năng cung ứng của các nước trong khối quân sự NATO. Cuối năm 2022, báo Washington Post (Mỹ) cho rằng các nước phương Tây sẽ phải mất tới 15 năm để bổ sung kho vũ khí với tốc độ sản xuất hiện tại.
Tính từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, NATO đã viện trợ 40 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, hầu hết là vũ khí trong các kho dự trữ hiện có. Tuy nhiên, kho vũ khí của phương Tây đang có dấu hiệu cạn kiệt, trong khi năng lực sản xuất quốc phòng bị hạn chế, các dây chuyền sản xuất vũ khí không thể tăng tốc trong một sớm một chiều.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói: "Các nước đồng minh NATO và đối tác đã cung cấp vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, và sẽ còn cung cấp thêm nữa".
Tên lửa chống tăng Javelin, được chuyển giao như một phần trong gói hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, tại sân bay quốc tế Boryspil, bên ngoài Kiev, ngày 10/2. (Ảnh: Reuters)
Số tiền 40 tỷ USD này tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.
Cuối tháng 11/2022, ông Jens Stoltenberg thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.
Còn về phía Nga, nước này một lần nữa lên tiếng cảnh báo, NATO đang can thiệp ngày một sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, NATO đang ngày càng thể hiện rõ sự thù địch đối với Nga. Điều này đòi hỏi Moscow phải có những biện pháp phòng ngừa nhất định.
Nga cho rằng việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine đang làm cuộc xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ leo thang hơn nữa.
Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo, tình hình leo thang có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của NATO và Mỹ vào cuộc xung đột hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!