Quân đội Đức cho biết đã sẵn sàng tiếp tục các cuộc tập trận bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Estonia sau khi cuộc tập trận đầu tiên mang tên "Hổ Baltic" kết thúc.
Từ đầu tháng 10, lính thủy đánh bộ và không quân Đức đã tham gia huấn luyện cách đảm bảo an toàn cho các sân bay ở các như căn cứ, bến cảng và những địa điểm khác... cùng các binh sĩ đến từ Estonia, Anh, Đan Mạch và Bỉ.
Estonia có đường bờ biển dài 3.800 km dọc theo biển Baltic và có hơn 300 km đường biên giới với Nga. NATO đã tăng cường sự hiện diện ở cánh phía Đông kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 vừa qua.
Ngày 18/10, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tăng cường các biện pháp để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính sau sự cố xảy ra vào tháng 9 đối với hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc.
Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen sẽ trình bày các đề xuất cụ thể trước các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Brussels, Bỉ, bắt đầu vào ngày 20/10.
Trong khuyến nghị của mình, EC khuyến khích 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh các bài kiểm tra sức chịu đựng căng thẳng đối với các thực thể vận hành những cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là liên quan đến năng lượng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen. (Ảnh: AP)
Theo EC, các nước nên ưu tiên cơ sở hạ tầng năng lượng, kỹ thuật số, giao thông, hàng không vũ trụ, đẩy nhanh công tác củng cố, cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.
Các thực thể lớn hơn, từ lưới điện đến bệnh viện hoặc hệ thống nước thải, cũng phải đối mặt với những yêu cầu mới và sự giám sát chặt chẽ hơn đối với vấn đề an ninh mạng của họ.
Ủy ban sẽ tư vấn cho các cơ quan chức năng quốc gia về cách tiến hành các bài kiểm tra sức chịu đựng căng thẳng, cũng như cách tốt nhất để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các mối đe dọa vật lý hoặc tấn công mạng nhằm đảm bảo EU có một cách tiếp cận thống nhất.
Cơ quan này cũng sẽ đưa ra các hướng dẫn về phương thức hợp tác cần thiết trong trường hợp xảy ra sự cố làm xáo trộn thị trường nội bộ EU, đồng thời nghiên cứu cách hợp lý nhất để xử lý sự cố va chạm cáp ngầm.
Khuyến nghị của EC được đưa ra khi các quốc gia châu Âu chạy đua để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, sau khi xảy ra sự cố rò rỉ trên hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc vào ngày 26/9.
Các nước EU cho rằng đó là do hành động phá hoại thay vì sự cố bất ngờ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!