Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli. (Ảnh: AP)
Các Bộ trưởng, bao gồm Chủ tịch đảng Cộng sản Nepal cầm quyền Pushpa Kamal Dahal và lãnh đạo cấp cao Madhav Kumar thuộc đảng này, đã từ chức, nói rằng họ không thể ở lại Chính phủ và việc giải tán quốc hội là vi hiến: "Chúng tôi không thể ở lại nội các vì việc giải tán quốc hội là vi hiến và phi dân chủ, chống lại nghĩa vụ đối với nhân dân. Nội các đã đưa ra quyết định bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chúng tôi".
Quốc hội Nepal đã bị giải tán vào ngày 20/12 sau khi Tổng thống Bidya Devi Bhandari chấp thuận khuyến nghị của Thủ tướng Oli về việc giải tán quốc hội, theo đó chấm dứt hoạt động của cơ quan lập pháp này 2 năm trước khi hết nhiệm kỳ.
Những người từ chức khỏi Chính phủ của Thủ tướng Oli gồm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Barsha Man Pun, Bộ trưởng Bộ Bảo tồn Rừng và Đất Shakti Basnet, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Giriraj Mani Pokharel, Bộ trưởng Bộ Lao động Rameshwar Raya Yadav và Bộ trưởng Bộ Nước uống Bina Magar. Bộ trưởng Bộ Du lịch và Hàng không Dân dụng Yogesh Bhattarai và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ghanshyam Bhusal cũng nằm trong những lãnh đạo từ chức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nepal Ram Bahadur Thapa và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Lekh Raj Bhatta đã không xin từ chức.
Thủ tướng Oli đưa ra khuyến nghị trong bối cảnh bất đồng gia tăng trong nội bộ đảng cầm quyền. Thủ tướng Oli cho rằng, ngày càng khó làm việc do có sự can thiệp và ông muốn người dân bầu ra một quốc hội mới. Trong quốc hội vừa giải tán, đảng Cộng sản Nepal do ông Oli lãnh đạo nắm thế đa số với 173 ghế trong hạ viện gồm 275 thành viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!