Phòng khám trên được mở ra trong bối cảnh ô nhiễm không khí vẫn tiếp diễn ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Chỉ số chất lượng không khí đo được vào ngày 20/11 tại New Delhi là 336, đã giảm so với mức 509 trong ngày 16/11, nhưng vẫn ở mức "nguy hiểm".
Các bác sĩ chuyên khoa phổi tại một bệnh viện nằm ở trung tâm thành phố đã thành lập một phòng khám riêng cho các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, sau khi chứng kiến số lượng bệnh nhân đến khám vì bệnh hô hấp và các bệnh khác do chất lượng không khí kém tăng đột biến.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô của Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông. Đây là khoảng thời gian không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm từ phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, xây dựng và việc đốt rác thải nông nghiệp.
Chính quyền New Delhi đã lần đầu tiên lên kế hoạch tạo mưa để cố gắng cải thiện chất lượng không khí ở thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, vốn đang bị sương mù bao phủ. Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay, chính quyền thủ đô Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, ngừng hoạt động xây dựng và tuyên bố sẽ áp đặt các quy định hạn chế đối với phương tiện giao thông.
Ông Gopal Rai, người đứng đầu cơ quan môi trường thành phố New Delhi vào ngày 8/11 cho biết, chính quyền địa phương sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng 11 nhằm nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở thành phố này.
Kế hoạch trên bao gồm việc thả muối hoặc bạc iodide vào các đám mây từ máy bay nhằm thúc đẩy sự hình thành mưa. Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng, lượng mưa tạo ra sẽ giúp loại bỏ ô nhiễm khỏi không khí.
Kế hoạch được đưa ra sau khi chất lượng không khí ở miền Bắc Ấn Độ ở mức đáng báo động. Tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ cho biết, chỉ số chất lượng không khí của New Delhi liên tục chạm mức 400 trong tháng 11. Đây là mức độ được cho là gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!