Sau biểu tình, bạo động, New York chuẩn bị cho công việc kinh doanh bình thường mới

Lê Tuyển (Phóng viên THVN tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 05/06/2020 09:37 GMT+7

Ảnh: Reuters

VTV.vn - Ngày mở cửa trở lại thành phố New York không còn xa. Hiện các doanh nghiệp đã háo hức chuẩn bị cho công việc kinh doanh sau hơn 3 tháng dài nằm "im lìm".

Chỉ trong vòng 3 tháng, riêng thành phố New York đã có 374.000 người mắc COVID-19, 24.000 người không qua khỏi.

Nếu như tỷ lệ mất việc làm do dịch của cả nước Mỹ là 14,7%, thì của riêng thành phố New York đến tháng 4 cũng đã leo lên mức 14,2%. Trung bình mỗi tháng nền kinh tế đóng cửa, lại có khoảng 1 triệu người mất việc làm. Không có việc làm, chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu và nhà ở đã khó, nói gì tới chi tiêu mua sắm hàng hóa khác.

Sau biểu tình, bạo động, New York chuẩn bị cho công việc kinh doanh bình thường mới - Ảnh 1.

Bảng so sánh tỷ lệ thất nghiệp cả nước Mỹ, Bang New York, Thành phố New York. Nguồn: Sở Lao động Bang New York.

Biểu tình không còn lạ với người New York

Nhưng khi chỉ còn một tuần nữa là các hoạt động kinh doanh được mở cửa lại một phần, thì biểu tình nổ ra. Biểu tình không còn lạ với người New York, biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi thì lại càng không. Bởi đây là thành phố đa sắc tộc bậc nhất nước Mỹ (với hơn 800 loại ngôn ngữ được người dân sử dụng hàng ngày) nên những va chạm sắc tộc cũng xảy ra rất thường xuyên. Chưa kể, người Mỹ gốc Phi chiếm tới hơn 25% dân số của cả thành phố.

Thế nhưng không ai ngờ, trong cuộc biểu tình lần này, đã có những kẻ lợi dụng lúc nhộn nhạo, lợi dùng tình hình dịch bệnh, lợi dụng lúc cảnh sát mất tập trung đi bảo vệ biểu tình; đập phá các cửa hàng, cướp đi tất cả những gì chúng có thể cướp. Đó có thể là một đôi giày, một chiếc áo hay lớn hơn là chiếc điện thoại iPhone hay đồ trang sức đắt tiền.

Anh Tony, chủ một cửa hàng quần ảo ở quận Manhattan vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: "Họ đông như kiến và tôi không thể cản nổi. Họ cắt rào, đập phá...".

Tại cuộc họp báo ngay sáng hôm sau vụ cướp, Thống đốc bang New York ông Andrew Cuomo đã cho rằng, cảnh sát thành phố đã chưa làm tròn trách nhiệm.

"Thành phố New York đã bị cướp. Họ cướp ở khu tài chính Manhattan. Nhưng cướp cả ở chính giữa cộng đồng gốc Phi ở quận Bronx và Brooklyn. Đây là 2 nơi mà chúng ta mất rất nhiều năm để gây dựng kinh tế cho cộng đồng này. Những tên cướp của này đã phá hủy cả những cửa hàng thiết yếu vốn đã và đang phục vụ cho cộng đồng suốt thời gian chống dịch. Cảnh sát đáng ra phải ngăn chặn những hành động phạm pháp này", ông Cuomo nói.

Sau biểu tình, bạo động, New York chuẩn bị cho công việc kinh doanh bình thường mới - Ảnh 2.

Những người biểu tình đập phá và cướp bóc một cửa hàng Target tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tối 27/5. Ảnh: CNBC.

Chưa có thống kê thiệt hại cụ thể mà các vụ cướp của gây ra nhưng sẽ là không hề nhỏ. Khó khăn hơn, các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng sẽ phải tự lo liệu.

Anh Roman Kusayev, chủ một salon có tên là Roman K ở Manhattan cho biết, anh đã kiểm tra camera an ninh thì thấy khoảng 12 người đã đột nhập vào cửa hàng của anh để lấy đi mọi thứ, từ chiếc máy tính bàn tới những đồ làm tóc. Giờ nếu có mở cửa trở lại anh cũng chưa có đủ tiền để mua sắm lại các thiết bị mới. Trong khi đó, hãng bảo hiểm mà anh mua lại không chi trả cho thiệt hại do bạo loạn hay COVID-19 gây ra.

"Tôi vẫn đang thương thảo với hãng bảo hiểm để xem có cách nào không. Nhưng ngay bản thân họ cũng chưa kịp hiểu chuyện gì đã diễn ra…", anh Kusayev tâm sự.

Sau 3 đêm thực hiện giới nghiêm, thành phố New York đã bình yên hơn

Thành phố New York đã bình yên hơn sau 3 đêm thực hiện giới nghiêm ban đêm. 38.000 cảnh sát đã được huy động, tức là tối đa lực lượng.

"Chúng tôi thấy hành vi phạm pháp xảy ra ở Quận trung tâm Manhattan nhiều hơn các chỗ khác. Thiệt hại bắt đầu được kiểm đếm. Chúng tôi sẽ tiến hành bắt giữ. Nhưng vẫn phải ưu tiên bảo vệ tính mạng con người trước", ông Dermot Shea, Cảnh sát trưởng Thành phố New York cho biết.

New York đã quyết định giữ lệnh giới nghiêm tới khi thành phố bước vào giai đoạn 1 của quá trình mở cửa trở lại, ngày 8/6. Mở cửa bước 1 không có nghĩa là tất cả, nhưng sẽ có nhiều dịch vụ hơn được hoạt động. Ngành bán lẻ được phép bán theo kiểu giao – nhận; còn các hàng quán sẽ được phụ vụ thêm khách nhưng ngồi ngoài trời.

Ông Andrew Cuomo, Thống đốc Bang New York khẳng định: "Chúng ta đang đúng tiến độ mở cửa vào 8/6, nghĩa là từ thứ 2 tuần tới. Tôi sẽ vẫn theo dõi số ca nhiễm và biểu tình. Bước 1 này sẽ giúp đưa 400.000 công nhân của thành phố trở lại công việc".

Sau biểu tình, bạo động, New York chuẩn bị cho công việc kinh doanh bình thường mới - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp phải thuê dịch vụ đóng các tấm gỗ lên cửa kính của cửa hàng. (Ảnh: Lê Tuyển)

Nhưng đó cũng mới chỉ là dự định. Người biểu tình vẫn chưa chịu về nhà. Doanh nghiệp không có cách nào khác là tự bảo vệ mình. Họ, hoặc tự làm, hoặc thuê dịch vụ để đóng kín các tấm gỗ lên các ô cửa kính của cửa hàng. Chi phí có thể lên tới hàng nghìn USD.

Các cửa kính – một vẻ đẹp đặc trưng của ngành bán lẻ New York trước kia, giờ bị bịt bởi những tấm gỗ ép.

Có người qua đường nói vui: "Hết con người phải đeo khẩu trang, giờ đến lượt các cửa hàng...".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước