Lính đánh thuê của tập đoàn Wagner ở miền Bắc Mali. (Ảnh: AP)
Các binh sỹ Wagner nói trên đang giúp chính quyền quốc gia Mali chống lại cuộc nổi dậy của các tay súng Hồi giáo.
Tuyên bố này được Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc đưa ra vài ngày sau khi người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay.
Theo đó, việc hợp tác quân sự giữa Nga và Mali cũng như với các nước Nam bán cầu khác đều trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng. Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cũng cho rằng quan hệ hợp tác song phương Nga - Mali và việc chính quyền quân sự Mali "chọn các đối tác quốc tế" trong lĩnh vực an ninh đang khiến các nước phương Tây phải đau đầu.
Theo hãng tin Reuters, chính quyền quân sự lên nắm quyền ở Mali sau cuộc đảo chính năm 2020 và hợp tác với nhóm Wagner từ năm 2021.
Thành viên Wagner với phù hiệu của lực lượng này. (Ảnh: Getty Images)
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói: "Như nhiều người trong chúng tôi lo ngại, quyết định chấm dứt hoạt động MINUSMA của chính quyền quân sự đã gây ra bạo lực mới ở Mali".
"Ngoài ra, việc rút MINUSMA còn hạn chế khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ dân thường khỏi nhóm Wagner, vốn có những hoạt động gây thêm bất ổn tại Mali".
Hồi tháng 6, Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA) sau khi chính quyền quân sự Mali yêu cầu phái bộ của Liên hợp quốc lập tức rời đi, một động thái mà Mỹ cho là do nhóm lính đánh thuê Wagner (Nga) đứng sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!