Ngân hàng trung ương Nga báo cáo hôm 14/11 rằng tài khoản vãng lai, đo lường sự khác biệt giữa dòng tiền vào nước này thông qua thương mại, đầu tư và chuyển khoản so với dòng vốn chảy ra, lên tới 53,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.
Thặng dư vượt quá 11 tỷ USD vào tháng 10 trong tháng thứ hai liên tiếp sau khi đạt mức cao nhất trong năm nay vào tháng 9. Ngân hàng trung ương Nga đã điều chỉnh tăng dự báo tài khoản vãng lai cho cả năm từ 45 tỷ USD lên 60 tỷ USD do giá dầu tăng vọt.
Số tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt của Moscow đã tăng lên mức cao nhất trong một 1,5 năm qua, đạt 17,7 tỷ USD vào tháng 10 bất chấp dự báo về thâm hụt lớn.
"Dữ liệu mới cho thấy, Nga tiếp tục được hưởng lợi từ doanh thu xuất khẩu hàng hóa cao. Chúng tôi kỳ vọng Nga sẽ có thêm 20 tỷ USD thặng dư tài khoản vãng lai trong hai tháng còn lại của năm 2023, nâng tổng cán cân đối ngoại bên ngoài lên khoảng 75 tỷ USD", chuyên gia kinh tế Nga của Bloomberg Alex Iskov dự đoán.
Ông Alex Iskov nói thêm: "Doanh thu xuất khẩu ngày càng tăng đã giúp ngăn chặn sự sụt giảm của đồng Ruble. Tuy nhiên, trong những tháng tới, đồng tiền của Nga có thể bị thử thách khi chính phủ xây dựng lại dự trữ ngoại hối bắt đầu từ tháng 1".
Điều này xảy ra sau khi Moscow định tuyến lại phần lớn dòng thương mại của mình về phía Đông, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn phần lớn chuỗi cung ứng ở thị trường châu Âu.
Chính quyền Nga đã áp dụng lại một số biện pháp kiểm soát vốn yêu cầu các nhà xuất khẩu, bao gồm cả các nhà sản xuất dầu lớn, bán thu nhập từ ngoại thương trên thị trường nội địa để đảm bảo dòng ngoại tệ vào.
Biện pháp này đã giúp hỗ trợ đồng Ruble, vốn đã tăng khoảng 5% so với đồng USD trong tháng 10. Đồng tiền tiếp tục mạnh lên trong tuần này, xuống dưới mức 89 Ruble/USD lần đầu tiên kể từ cuối tháng 7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!