Hơn 184,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,59 triệu ca mắc và gần 621.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 3.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bang Vermont của Mỹ hiện đang được xem là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng đứng đầu thế giới nên được cho là an toàn nhất thế giới giữa đại dịch. Theo giới chức bang này, đến nay, đã có 80% dân số từ 12 tuổi trở lên của bang đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Nếu tính riêng người trưởng thành, 84% dân số bang Vermont đã được tiêm chủng.
Từ những thành tựu về tiêm chủng, bang Vermont đã dỡ bỏ các quy định về khẩu trang và giới hạn đối với người được tiêm chủng từ giữa tháng 5. Giữa tháng 6 vừa qua, tình trạng khẩn cấp của bang cũng chính thức kết thúc. Dù vậy, giới chức bang Vermon vẫn khuyến cáo người dân tuân thủ những quy định phòng dịch, các doanh nghiệp vẫn có thể yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang nếu cần.
Hàng chục động vật tại Vườn thú thành phố Oakland, bang California, Mỹ đã được tiêm vaccine COVID-19 thú y để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh. Đứng đầu danh sách được tiêm vaccine COVID-19 thử nghiệm là hổ, gấu đen, gấu xám, sư tử núi và chồn sương, tiếp theo sẽ là tinh tinh, dơi và lợn. Vaccine được sử dụng do công ty dược phẩm thú y Zoetis ở New Jersey phát triển. Công ty này đã tài trợ 11.000 liều vaccine thử nghiệm cho 70 vườn thú khác nhau. Vaccine đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép thử nghiệm trên cơ sở từng loài động vật.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/7, nước này ghi nhận hơn 40.200 ca mắc mới COVID-19 và 742 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 402.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Chính quyền Delhi của Ấn Độ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi cho phép mở cửa trở lại sân vận động và khu liên hợp thể thao không có khán giả từ ngày 5/7. Cơ quan Quản lý Thảm họa Delhi (DDMA) cho biết, đây tiếp tục là bước nới lỏng tiếp theo, phù hợp với thực tế trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Delhi xuống dưới mức 100 người/ngày và số trường hợp tử vong chỉ còn dưới 10 ca/ngày.
Chính phủ Ấn Độ vừa đưa ra khẳng định, việc tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong tới 98%, trong khi tỷ lệ tương ứng sau khi tiêm 1 mũi là gần 92%. Đây là những thông tin mới nhất được các chuyên gia Ấn Độ đưa ra sau một nghiên cứu với hơn 80.000 cảnh sát ở bang Punjab, miền Bắc nước này.
Số cảnh sát được chia làm 3 nhóm, nhóm không tiêm vaccine, nhóm tiêm 1 mũi và nhóm tiêm 2 mũi. Kết quả cho thấy, nhóm không tiêm có tỷ lệ tử vong là 3/1.000, nhóm tiêm đủ 2 liều là 0,05/1.000. Trên cơ sở đó, các chuyên gia cho biết, việc tiêm vaccine giúp gần như loại bỏ nguy cơ bệnh nặng và tử vong, đồng thời kêu gọi người dân tin tưởng vào hiệu quả của vaccine.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, gần 523.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Nga đã công bố thêm 25.142 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2021 trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức rất cao với 663 người trong ngày 4/7.
Tuần này, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, đến nay, đã có 137.925 ca tử vong trong số trên 5,6 triệu người mắc COVID-19 ở Nga.
Số ca nhiễm biến thể Delta ngày càng gia tăng ở Nga. (Ảnh: AP)
Cuối tháng 7, Anh sẽ dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát phòng dịch cuối cùng. Ngày 28/7 được Chính phủ nước này gọi là "Ngày Tự do". Khi đó, kể cả những quy định như đeo khẩu trang cũng sẽ trở thành "lựa chọn cá nhân" ở nước Anh và không bắt buộc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kịch bản khả quan. Các biện pháp kiểm soát sẽ được dỡ bỏ dựa trên đánh giá các tiêu chí như số ca nhiễm mới, số ca nặng nhập viện, và tiến độ tiêm chủng... Anh đã có gần 70% người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn tăng cao với hơn 20.000 trường hợp mỗi ngày.
Australia sẽ giảm một nửa hạn ngạch người nước ngoài được phép nhập cảnh vì lo ngại, các khu cách ly sẽ không đáp ứng được. Mỗi tuần sẽ chỉ có khoảng 3.000 người được vào Australia. Trong nước, Australia cũng đang trải qua một đợt lây nhiễm nguy hiểm, biến thể Delta phát hiện ở nhiều thành phố lớn khắp cả nước. Tính tới ngày 4/7, một nửa dân số Australia đang phải sống trong phong tỏa. Theo truy vết nguồn lây, dịch đã lan ra từ các khu khách sạn cách ly cho người nước ngoài.
Indonesia bắt đầu tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi. Việc tiêm chủng được tiến hành khi các số liệu cho thấy, số bệnh nhân dưới 18 tuổi mắc COVID-19 vào tháng 6/2021 ở Indonesia chiếm 12,6% tổng số ca mắc, trong khi tỷ lệ này vào năm 2020 chỉ khoảng 5%. Giới chức Indonesia kỳ vọng, việc mở rộng đối tượng tiêm chủng sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.
Làn sóng COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra đang càn quét khắp Indonesia. Trong 24 giờ qua, nước này có tới gần 27.233 ca nhiễm mới và gần 555 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế, Chính phủ Indonesia đã phải đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng hơn 60 bệnh nhân tại một bệnh viện tử vong do hết nguồn oxy thở.
Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết, từ ngày 6/7 tới, tất cả các công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này sẽ phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ ngừa COVID-19. Trong thông báo bằng văn bản ngày 4/7, người phát ngôn cơ quan trên, ông Jodi Mahardi nêu rõ, người nước ngoài còn phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Indonesia. Các nhân viên ngoại giao và quan chức nước ngoài sẽ được miễn trình giấy chứng nhận tiêm vaccine trong khuôn khổ những chuyến thăm chính thức, phù hợp với thông lệ quan hệ ngoại giao được các nước khác áp dụng.
Chính phủ Lào ngày 4/7 đã gia hạn chỉ thị 15/TTg, tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào. Đây là lần thứ 5 Chính phủ Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22/4 đến nay.
Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 31 ca nhiễm COVID- 19 mới tại 5 trên 18 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó phần lớn là các ca nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 3 ca cộng đồng. Đáng chú ý, thủ đô Vientiane, tâm dịch lớn nhất của Lào trong làn sóng dịch thứ 2 này, đã có 5 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Lào.
Ngày 4/7, Hàn Quốc đã phát hiện thêm 742 ca mắc mới COVID-19. (Ảnh: AP)
Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc tiếp tục ở mức trên 700 ca với 742 trường hợp, khiến nhà chức trách nước này phải tăng cường cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, ngày 4/7, nước này đã phát hiện thêm 742 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 662 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 160.084 người.
Trước đó, ngày 2/7 và ngày 3/7, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc là 826 và 794 ca, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua, do số trường hợp nhiễm mới tăng đột biến ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Số ca mắc mới công bố ngày 4/7 có giảm một chút so với 2 ngày trước nhưng đây là ngày Chủ nhật có số ca mắc mới cao nhất từ đầu năm nay. Ở Hàn Quốc, số ca bệnh được phát hiện cuối tuần thường ít hơn ngày trong tuần do ít người đi xét nghiệm hơn. Cũng theo KDCA, đã có thêm 1 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân không qua khỏi ở Hàn Quốc lên 2.026 người.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đang triển khai kế hoạch cấp chứng nhận tiêm chủng ("hộ chiếu vaccine") vào cuối tháng 7 tới. Theo nguồn tin trên, nếu được các nước, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp, chấp nhận, những người được cấp chứng nhận sẽ được miễn cách ly hoặc không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19 khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục yêu cầu khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản, bao gồm cả những người trở về, phải cách ly trong 2 tuần ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Yêu cầu trên đang làm phức tạp các cuộc đàm phán với các quốc gia như Singapore và Israel, những nước đã kêu gọi miễn trừ theo nguyên tắc "có đi có lại".
"Hộ chiếu vaccine" là giấy tờ chính thức xác nhận người mang nó đã được tiêm chủng đầy đủ. Giấy chứng nhận này do các chính quyền thành phố cấp, sẽ bao gồm tên, số hộ chiếu và ngày tiêm chủng của chủ sở hữu. Giới kinh doanh ở Nhật Bản đã kêu gọi sử dụng "hộ chiếu vaccine". Tháng 6/2021, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất cấp các chứng chỉ như vậy dưới dạng kỹ thuật số.
Theo cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Ghebreyesus, thế giới đang ở trong giai đoạn vô cùng nguy hiểm trong đại dịch COVID-19 do biến thể Delta. Biến thể Delta đã xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia và vẫn đang tiếp tục biến đổi, chiếm phần lớn số ca nhiễm mới tại nhiều quốc gia. Ông Tedros nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, đồng thời chỉ ra sự cần thiết phải tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo WHO cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ lẫn nhau về vaccine phòng dịch, tăng tốc tiêm chủng. Đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới.
Người chưa tiêm vaccine không chỉ có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong cao hơn nếu bị mắc COVID-19. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Mỹ cảnh báo, họ cũng có thể là nơi trú ẩn lý tưởng để virus SARS-CoV-2 biến thể và lây lan mạnh ra cộng đồng. Theo các chuyên gia, cơ thể người mắc COVID-19 chính là môi trường để virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và có thể sản sinh ra biến chủng nguy hiểm hơn ban đầu.
Càng có nhiều người không được tiêm chủng, càng có nhiều cơ hội cho virus sinh sôi. Các đột biến thường khiến virus trở nên dễ lây lan hơn chủng trước đó. Các loại vaccine hiện có vẫn có thể bảo vệ con người trước các loại biến chủng hiện tại, nhưng chuyên gia cảnh báo, điều này có thể thay đổi vào bất kỳ lúc nào nếu để virus tiếp tục có cơ hội đột biến. Chuyên gia y tế thúc giục nhiều người nhanh chóng tiêm vaccine COVID-19 nhất có thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!