Ảnh minh họa.
Một vụ tấn công mạng quy mô lớn lại xảy ra trên phạm vi toàn cầu vào ngày hôm qua (27/6). Đến nay, các chuyên gia vẫn đang điều tra xác định thủ phạm. Loại mã độc đòi tiền chuộc lần này, thậm chí tinh vi hơn WannaCry đã tấn công hệ thống máy tính của nhiều nước trên thế giới và gây ra nhiều thiệt hại.
Rosneft, Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng đầu tiên.
Tiếp đó, Ngân hàng Trung ương Ukraine, sân bay chính ở thủ đô Kiev, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cũng thông báo bị tác động.
Kênh truyền hình 24 của Ukraine và 3 đài phát thanh cũng không thể hoạt động bình thường do mã độc tấn công.
Sau Nga và Ukraine, mã độc tấn công các máy tính tại Romania, Hà Lan, Nauy, Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Anh.
Trong số các nạn nhân có hãng vận tải biển Đan Mạch Maersk, Tập đoàn công nghiệp Pháp Saint-Gobain và WPP - Công ty quảng cáo lớn nhất của Anh.
Sau đó vài giờ, vụ tấn công lan ra toàn cầu, ảnh hưởng đến Mỹ, Ấn độ và Australia.
Vụ tấn công mạng này xảy ra 1 tháng sau vụ tấn công bằng mã độc WannaCry làm chao đảo thế giới. Điểm chung của cả 2 loại mã độc này là đều thuộc dòng "tống tiền", lây lan qua các liên kết độc hại để khóa hệ thống khởi động thiết bị của người dùng. Nếu muốn khôi phục lại dữ liệu, người dùng sẽ phải trả khoản tiền chuộc khoảng 300 USD bằng tiền ảo Bitcoin.
Nga là nạn nhân đầu tiên của vụ tấn công mạng lần này. Thiệt hại về vật chất thì chưa có con số chính thức, nhưng máy chủ của hàng loạt công ty du lịch lữ hành tại Nga đã bị phong tỏa, trong đó có cả hệ thống đăng ký trực tuyến. Đó là thiệt hại nặng nề nhất đến thời điểm hiện nay ở Nga. Công ty dầu khí Rosneft bị tấn công mạnh nhất, nhưng theo thông tin chính thức thì không bị ảnh hưởng gì nhiều. Theo thông báo của hãng, mục tiêu của vụ tấn công vào Rosneft là những thông tin quan trọng liên quan đến các vụ kiện cáo của công ty trong thương vụ mua lại Công ty dầu khí Bashneft.
Ngân hàng Trung ương Nga thông báo đã ghi nhận một số máy chủ trong hệ thống dữ liệu, các tổ chức tín dụng bị tấn công nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành.
Công ty an ninh mạng Kapersky cho biết, virus mang tên Pechia là một chủng mới hoàn toàn, chưa được biết trước đó. Công ty đang tiến hành điều tra làm rõ quy trình lây nhiễm và mô hình hoạt động của nó. Kapersky khuyến cáo khách hàng thường xuyên cập nhật dữ liệu chống virus và áp dụng các biện pháp cần thiết như thường xuyên sao lưu dữ liệu trên ít nhất 2 ổ cứng khác nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!