Tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal dưới bụng tiêm kích đánh chặn MiG-31. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình.
"Chúng tôi đã 3 lần triển khai tên lửa này trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nó cho thấy những đặc tính xuất sắc mà không tên lửa nào trên thế giới có được", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu trên truyền hình quốc gia vào ngày 21/8. Bộ trưởng Shoigu ca ngợi thêm rằng việc đánh chặn tên lửa Kinzhal gần như là không thể.
Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết, tên lửa siêu vượt âm Kinzal có vận tốc nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, có khả năng thay đổi quỹ đạo để né tránh hệ thống phòng không của đối phương trong mọi giai đoạn bay. Nga đã sử dụng tên lửa này để phá hủy các mục tiêu đặc biệt quan trọng.
Nga lần đầu tiên xác nhận sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal ở Ukraine là thời điểm khoảng một tháng sau khi mở màn chiến dịch quân sự ở đây. Tên lửa đã nhắm vào kho vũ khí ở miền Tây Ukraine.
Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, quân đội nước này đã triển khai 3 máy bay MiG-31E được trang bị tên lửa Kinzhal đến vùng Kaliningrad.
Tổ hợp tên lửa hàng không Kinzhal gồm máy bay tác chiến MiG-31K và tên lửa siêu vượt âm Kh-47M Kinzhal. (Ảnh: Getty Images)
Hệ thống tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) là một trong số các vũ khí siêu vượt âm được Nga triển khai từ cuối những năm 2010 trong nỗ lực duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu giữa bối cảnh Mỹ nỗ lực xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa.
Sự nguy hiểm của tên lửa Kinzhal nằm ở độ chính xác, tầm bắn và tốc độ siêu vượt âm của nó. Kinzhal có tầm bắn hơn 2.000 km, vận tốc siêu vượt âm đạt tới Mach 12 (khoảng 14.800 km/h) khi phóng đi từ máy bay chiến đấu MiG-31 ở độ cao 10 km. Tên lửa này sở hữu hệ thống dẫn đường đặc biệt, giúp nó có thể thay đổi quỹ đạo để né phòng không của đối phương ở mọi giai đoạn khi bay và khiến việc bắn hạ nó rất khó khăn.
Kinzhal có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, có thể được phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3 hoặc tiêm kích đánh chặn MiG-31K.
Nga lần đầu tiên công bố sự tồn tại của tên lửa Kinzhal trong bài thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2018. Nga đang dẫn đầu thế giới về cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm, theo sau là Mỹ và Trung Quốc, một số nước khác cũng đang nghiên cứu công nghệ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!