Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko (Ảnh: AFP)
Nga đã chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ biên giới của mình sang nước láng giềng Belarus, cách lãnh thổ NATO vài trăm dặm, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo một cuộc đối đầu quân sự rộng hơn với liên minh này nếu NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Hoạt động này được thực hiện theo thỏa thuận mà Tổng thống Belarus và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố năm ngoái, nhằm mục đích tăng áp lực lên sườn phía đông của NATO.
Nguy cơ về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân đã "treo lơ lửng" trên đầu các nhà lãnh đạo phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các quan chức hàng đầu của Mỹ tin rằng Tổng thống Vladimir Putin đã thả nổi khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có hiệu suất hạn chế vào năm 2022.
Việc vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus đánh dấu một trong những điểm triển khai kho vũ khí nguyên tử ở cực Tây của Điện Kremlin. Việc di chuyển vũ khí hạt nhân của nước này mang dấu hiệu chính trị rõ ràng, nhưng một số chuyên gia đã hạ thấp tầm quan trọng về mặt quân sự của động thái này - cho rằng những vũ khí này không gây ra mối đe dọa nào chỉ bằng cách di chuyển đến gần lãnh thổ NATO vài trăm dặm.
Ông Rose Gottemoeller, cựu đặc phái viên kiểm soát vũ khí hàng đầu của Mỹ và Phó Tổng thư ký NATO, cho biết: "Người Nga có thể tiếp cận bất kỳ nơi nào trong NATO bằng tên lửa hạt nhân với những gì họ có trên lãnh thổ của mình. Nhưng nó không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào. Vì vậy, nó hoàn toàn chỉ là một thông điệp chính trị".
Đây là lần đầu tiên Nga triển khai tên lửa hạt nhân ở nước ngoài kể từ thời Liên Xô trước đây.
Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko không cung cấp thông tin số lượng vũ khí hạt nhân nhưng cho biết đây là những vũ khí hạt nhân hiện đại nhất, gồm bom và tên lửa.
Điện Kremlin được cho là có trong kho gần 6.000 đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả những đầu đạn có công suất nhỏ hơn nhiều, được gọi là vũ khí hạt nhân "chiến thuật" và các đầu đạn hạt nhân có công suất lớn.
Nga đã triển khai tên lửa Iskander, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tới Belarus vào cuối năm 2022. Belarus cũng đã trở thành nơi đồn trú của khoảng 2.500 đến 4.000 thành viên của lực lượng bán quân sự Nga được gọi là Nhóm Wagner, theo ước tính của tình báo Estonia. Nhiều binh sĩ trong số đó đóng quân tại một căn cứ tên lửa cũ của Liên Xô cách Minsk khoảng 50 dặm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!