Đây là thông tin do tờ Bild đưa ra, trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội các nhà nhập khẩu than Đức (VDKi).
Theo báo cáo, Đức đã mua tổng cộng 44,4 triệu tấn than vào năm 2022, tăng 8% so với năm trước. Trong khi nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga giảm 37% so với số liệu năm 2021, nước này vẫn mua khoảng 13 triệu tấn từ các quốc gia châu Âu, chiếm khoảng 29% tổng lượng nhập khẩu. Lượng than nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác của Đức đã tăng, nhưng vẫn giảm so với lượng từ Nga.
Mỹ cung cấp 9,4 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ, trong khi Colombia trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba với 7,2 triệu tấn, tăng 210%. Các lô hàng từ Nam Phi cũng tăng đáng kể 278% so với cùng kỳ, lên 3,9 triệu tấn. Australia là nhà cung cấp than lớn thứ tư với 6,3 triệu tấn.
EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga vào ngày 10/8/2022 như một phần của gói trừng phạt liên quan đến chiến sự tại Ukraine được công bố vào tháng 4/2022. Vào năm 2021, Nga chiếm khoảng 70% lượng than nhập khẩu của khối, trong đó Đức và Ba Lan đặc biệt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, do phần lớn điện năng của các quốc gia này được sản xuất bởi các nhà máy điện chạy bằng than. Nếu tính đến lệnh cấm vận, dường như hầu hết than của Nga đã được chuyển đến Đức trước hoặc ngay sau ngày 10/8.
Nhà máy nhiệt điện than Boxberg ở Lusatia, gần biên giới Đức - Ba Lan. (Ảnh: Getty)
Đức đã buộc phải tăng cường sử dụng than trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu năng lượng và giá điện tăng cao, nguyên nhân là do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm sau lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này đã mâu thuẫn với cam kết lâu dài của Đức về chống biến đổi khí hậu và từ bỏ nhiên liệu "bẩn".
Trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, Berlin thậm chí đã ra lệnh nối lại hoạt động tại các mỏ than nhàn rỗi vào tháng 9/2022. Theo Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis), nước này hiện sản xuất hơn 1/3 lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện. Việc loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than đã bị hoãn lại cho đến tháng 3/2024.
Đầu tháng 2 này, người đứng đầu VDKi Alexander Bethe đã chỉ trích các chính sách của EU và Đức, trong đó tìm cách bỏ sử dụng than để chuyển sang năng lượng sạch hơn, cho rằng những kế hoạch như vậy là khá tham vọng. Ông cho biết, quan điểm cho rằng châu Âu sẽ chỉ cần than đá trong một hoặc hai mùa đông nữa là không thực tế.
Đức tạm thời hồi sinh các nhà máy điện than VTV.vn - Trong bối cảnh lo ngại nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ tiếp tục bị cắt giảm khi mùa đông đang tới gần, Đức sẽ tạm thời kích hoạt lại các nhà máy điện chạy bằng than.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!