Người dân Đức đang ở trong thời điểm nước này ghi nhận lạm phát cao nhất trong hơn 30 năm qua. Túi tiền eo hẹp trong khi giá các mặt hàng đều tăng khiến người dân xoay xở vô cùng khó khăn.
Bà Gabriele Washah, một công dân Đức đã nghỉ hưu ở thành phố Berlin, vẫn xếp hàng chờ đợi để mua được những túi cà rốt với giá 50 xu, các hộp sữa chua vừa hết hạn và những bó hoa héo. Khi chi phí sinh hoạt tăng vọt trên khắp châu Âu, bà là một trong rất nhiều công dân Đức tìm tới các ngân hàng thực phẩm cung cấp những mặt hàng với giá rẻ phù hợp với túi tiền của họ.
Bà Gabriele Washah nói: "Bánh mì có giá hơn 2 Euro, không thể mua được. Bơ trước đây 99 xu giờ cũng lên hơn 2 Euro. Đôi khi tôi đi từ cửa hàng về nhà mà nước mắt lưng tròng vì có nhiều thứ mà tôi không thể mua thêm được nữa. Giờ có ngân hàng thực phẩm, thật tốt biết mấy".
Ẩn mình trong một con hẻm phía sau một chuỗi siêu thị lớn, ngân hàng thực phẩm này bán rất nhiều mặt hàng tạp hóa giảm giá được các siêu thị quyên tặng cũng như các suất ăn giá rẻ đã được chuẩn bị sẵn. Tại đây, các khách hàng có thể mua đầy xe đẩy thực phẩm với giá khoảng 30 Euro, tương đương 730.000 đồng.
Do chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát tại Đức đã tăng lên mức 7,9% trong tháng 5 vừa qua và là mức cao nhất kể từ năm 1990. Giá thực phẩm chịu tác động nặng nề nhất. Nhu cầu tìm tới các ngân hàng này trên toàn nước Đức đã gia tăng đáng kể từ đầu năm nay, thậm chí tăng gấp đôi tại một số khu vực. Hiện có khoảng 1.000 ngân hàng thực phẩm trên toàn nước Đức và do đội ngũ tình nguyện viên điều hành.
Theo ước tính năm 2020, khoảng 16% người dân Đức, tương đương hơn 13 triệu người, sống dưới mức nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!