Trong một thông báo báo chí hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng (MoD) cho biết xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đạt kỷ lục 21.083 crore Rs (khoảng 2,63 tỷ USD) trong năm tài chính 2023 - 2024, tăng 32,5% so với con số 15.920 crore Rs của năm trước đó.
Những mặt hàng đóng góp chính gồm: đồ bảo hộ cá nhân, phương tiện tuần tra ngoài khơi, trực thăng, máy bay chiến đấu hạng nhẹ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống giám sát ven biển, các linh kiện cơ khí kỹ thuật hạng nhẹ...
Thông cáo cho biết ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, bao gồm cả khu vực tư nhân và các doanh nghiệp quốc phòng công (DPSU), đã có những nỗ lực to lớn để đạt được "con số xuất khẩu quốc phòng cao nhất từ trước đến nay".
Theo Bộ Quốc phòng, khu vực tư nhân và DPSU đóng góp lần lượt khoảng 60% và 40% xuất khẩu quốc phòng.
Ngoài ra, thông cáo của Bộ Quốc phòng cũng cho biết số lượng giấy phép xuất khẩu được cấp cho các nhà xuất khẩu quốc phòng đã gia tăng trong năm tài chính 2024. Từ 1.414 giấy phép xuất khẩu trong năm tài chính 2023, con số này đã tăng lên 1.507 trong năm nay. Bộ này cũng cho biết, so sánh dữ liệu từ hai thập kỷ (giai đoạn từ 2004 - 2005 đến 2013 - 2014 và 2014 - 2015 đến 2023 - 2024) cho thấy xuất khẩu quốc phòng đã tăng 21 lần. Tổng xuất khẩu quốc phòng trong giai đoạn 2004 - 2005 đến 2013 - 2014 đạt 4.312 crore Rs, con số này đã tăng lên 88.319 crore Rs trong giai đoạn từ 2014 - 2015 đến 2023 - 2024.
Tuy nhiên, không chỉ xuất khẩu quốc phòng sang 84 quốc gia, Ấn Độ còn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đã đạt được những con số ấn tượng (Ảnh: Asia Times)
Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2023, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 9,8% doanh số bán vũ khí toàn cầu.
Cũng theo báo cáo của SIPRI, Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ - chiếm 36% lượng nhập khẩu vũ khí của New Delhi, mặc dù thị phần tổng thể của nước này đã giảm do Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào các nước phương Tây và các nhà cung cấp bản địa; tiếp theo là Pháp (33%), Mỹ (13%), Saudi Arabia (8,4%), Qatar (7,6%), Ukraine (4,9%), Pakistan (4,3%), Nhật Bản (4,1%), Ai Cập (4%), Australia ( 3,7%), Hàn Quốc (3,1%) và Trung Quốc (2,9%).
Vào tháng 2/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh tiết lộ mục tiêu của Ấn Độ là đạt sản lượng quốc phòng hàng năm chạm mốc 3.000 tỷ crore Rs vào năm 2028 - 2029, trong khi xuất khẩu phần cứng quân sự có thể đạt 50.000 tỷ crore Rs.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!