Ngành hàng không tính đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 15/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thế giới có 25.000 máy bay thương mại, mỗi năm chở khoảng 4 tỷ hành khách, đốt cháy gần 100 tỉ gallon dầu máy bay phản lực và thải ra gần 1 tỉ tấn CO2.

Trải qua 7 thập niên mở rộng gần như không bị kiểm soát, ngành hàng không ít phải quan tâm đến khí thải. Nhưng giờ đây, khi đồng hồ môi trường đã điểm, ngành hàng không bắt đầu tính đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Theo tính toán của Tập đoàn McKinsey, để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, ngành hàng không cần đầu tư vốn khoảng 5.000 tỷ USD. Gần như toàn bộ số tiền trên sẽ được đầu tư vào sản xuất nhiên liệu bền vững và sản xuất năng lượng tái tạo. Do đó, các nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho rằng, chi phí thay nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu bền vững có thể sẽ bị dồn lên vai hành khách.

Chiến lược "xanh hóa" ngành hàng không

Vào đầu năm nay, hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đánh dấu bước ngoặt lớn với chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững, không pha trộn.

Vùng Vịnh có ba hãng hàng không nổi tiếng và cũng có quy mô thuộc nhóm đầu thế giới là Etihad của Abu Dhabi, Emirates của Dubai và Qatar Airways của Qatar. Trong đó, Etihad đã hai năm liên tiếp đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng Hãng hàng không thân thiện với môi trường. Etihad đã tuyên bố mục tiêu sẽ cắt giảm được một nửa lượng khí thải vào năm 2035 và trở thành hãng hàng không không phát thải vào năm 2050.

Ngành hàng không tính đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1.

Emirates và Qatar Airways cũng đang xây dựng lộ trình để trở thành hãng hàng không không phát thải vào năm 2050. Ngoài ra, Cơ quan phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Vùng Vịnh là Masdar cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Airbus để phát triển năng lượng sạch cho ngành hàng không. Đáng chú ý, trong tầm nhìn của họ, máy bay trong tương lai sẽ có thể chạy các nguồn năng lượng mới như Hydrogen hay năng lượng từ không khí.

Cũng như ô tô, đang dần chuyển từ xăng dầu truyền thống sang ô tô điện. Vùng Vịnh đang nhìn thấy những viễn cảnh đầy mới mẻ đối với ngành hàng không. Mặc dù được xem là ‘giếng dầu của thế giới’, nhưng khu vực này, với nguồn vốn dồi dào đã tích lũy được trong những năm qua, đang muốn đi đầu trong cuộc cách mạng xanh trong ngành vận tải, xem đây là nền tảng cho thời kỳ phát triển mới. Hàng không dĩ nhiên sẽ là một lĩnh vực họ không thể bỏ qua.

Sử dụng các loại nhiên liệu bền vững, giá vé máy bay có ảnh hưởng đến hành khách?

Chi phí luôn là câu hỏi được đặt ra khi thế giới nhìn về một công nghệ gì mới mẻ. Nhưng Vùng Vịnh cho rằng, quy luật của sự phát triển công nghệ thì luôn là như vậy. Máy vi tính hay điện thoại di động một thời cũng được xem là xa xỉ. Khi các nghiên cứu ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tiến bộ, các công nghệ một thời được xem là xa xỉ sẽ trở nên bình dân.

Ngành hàng không tính đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 2.

Chỉ cách đây vài năm, ô tô điện còn là điều gì khá xa với với nhiều người, thì nay không còn là quá lạ lẫm trên các đường phố nữa. Máy bay cũng như vậy, dù chạy điện, xăng dầu sạch hay là hydrogen, thậm chí năng lượng từ không khí, thì cũng sẽ có thể một ngày trở thành thực tế phổ biến khi các công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển đúng mức.

Giảm thiểu carbon trong ngành hàng không, hướng tới phát triển bền vững rõ ràng là mục tiêu quan trọng, nhưng không hề dễ dàng. Nhiệm vụ này cần sự vào cuộc của các nhà khoa học để ứng dụng các phát minh hiện đại nhất.

Mẫu máy bay chạy điện Airlander do công ty Hybrid Air Vehicle của Anh phát triển là mẫu máy bay hiện đại, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến được kỳ vọng tạo ra những bước tiến mới trong nỗ lực xanh hóa ngành hàng không. Theo nhà sản xuất, mẫu máy bay này có trọng tải tối đa 10 tấn, bay liên tục trong 5 ngày, tầm bay lên tới 7.400 km và ở độ cao tối đa 6.000 mét. Mẫu máy bay dự kiến đưa vào vận hành năm 2026 sẽ hoạt động theo cấu hình kết hợp, với 2 động cơ đốt trong và 2 động cơ chạy điện. Đến năm 2030, máy bay Airlander sẽ hoàn toàn vận hành bằng điện.

Ông Tom Grundy - Giám đốc điều hành công ty Hybrid Air Vehicle: "Airlander là chiếc máy bay cỡ lớn hiệu quả nhất thế giới, nó được thiết kế để vận chuyển 10 tấn hàng hóa, 100 hành khách và đưa số hàng hóa cũng như hành khách này đến đúng nơi cần đến, nhưng chỉ thải ra lượng khí thải bằng 10% so với các máy bay khác".

Ngành hàng không tính đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 3.

Một mẫu máy bay khác cũng hướng tới phát thải ròng bằng 0 là máy bay siêu thanh Overture của Công ty khởi nghiệp Boom Supersonic. Ngoài giảm thời gian bay, Overture sẽ sử dụng hệ thống giảm tiếng ồn tự động đầu tiên trên thế giới, đồng thời vận hành mà không cần bộ phận đốt cháy bổ sung để tăng lực đẩy.

Thế nhưng, không phải không có những thách thức với việc chuyển sang các máy bay chạy điện. Anh Jakob Wert - Phóng viên lĩnh vực hàng không nói: "Bạn có thể thấy động cơ chạy điện đã được ứng dụng trên các máy bay cỡ nhỏ. Ứng dụng trên máy bay cỡ lớn thì rất khó, vì khi ấy trọng lượng pin sẽ rất nặng. Các nhà sản xuất máy bay cũng đang thử nghiệm các công nghệ khác nhau".

Đến nay, các giải pháp giảm thiểu carbon ngành hàng không như nhiên liệu hàng không bền vững hay máy bay điện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, để tiến tới khử carbon ở một trong những ngành thải ra lượng khí thải carbon nhiều nhất sẽ cần cả quá trình với nỗ lực và hợp tác của nhiều phía.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước