Ngoại giao tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Hamas liên tiếp diễn ra

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 07/11/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tròn 1 tháng kể từ khi xung đột nổ ra giữa Israel và lực lượng Hamas, các hoạt động ngoại giao tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột liên tiếp diễn ra.

Chỉ trong ba ngày vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Antony Blinken đã tới Israel, Jordani, Bờ Tây, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến công du Trung Đông lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng của ông Blinken phản ánh nỗ lực của Mỹ nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột này.

Dù vẫn còn những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và các đồng minh Arab về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, song ông Blinken liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của một khoảng dừng nhân đạo để tăng cường hỗ trợ cho người dân Gaza đang trong tình cảnh cùng cực.

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: "Dù rằng có nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt là về vấn đề ngừng bắn, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, từ cuộc trò chuyện của tôi với tất cả các đồng nghiệp có mặt ở Amman rằng, mọi người sẽ hoan nghênh một khoảng dừng nhân đạo, bởi vì nó sẽ thúc đẩy những điều mà tất cả chúng ta đang cố gắng hoàn thành, bao gồm cả việc giải cứu các con tin và tăng cường viện trợ cho Gaza, cũng như việc đưa người ra khỏi Gaza".

Mối quan hệ đồng minh thân cận Mỹ - Israel

Hoạt động ngoại giao con thoi của ông Blinken thể hiện vai trò quan trọng của Mỹ trong việc hỗ trợ Israel đối đầu với Hamas. Vai trò và sức ảnh hưởng này được hình thành từ quan hệ gần gũi cũng như sự ủng hộ vững chắc mà Washington dành cho Tel Aviv trong nhiều thập kỷ qua.

Ngoại giao tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Hamas liên tiếp diễn ra - Ảnh 1.

Mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Israel bắt đầu từ năm 1948, khi Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận nhà nước Do Thái non trẻ.

Quan hệ giữa hai bên thực sự bắt đầu phát triển sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 khi Israel đánh bại liên minh các nước Arab dù nhận được rất ít sự giúp đỡ từ bên ngoài. Cuộc chiến đã khiến Israel trở thành đồng minh hấp dẫn với Mỹ.

Trải qua nhiều đời Tổng thống Mỹ, Israel vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Điều này phần nào được thể hiện qua cam kết của Mỹ nhằm duy trì vị thế quân sự của Israel nhằm đảm bảo quân đội của Tel Aviv vẫn vượt trội hơn bất kỳ nước nào trong khu vực. Israel hiện nhận được 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ theo bản ghi nhớ ký năm 2019. Con số này chiếm khoảng 16% tổng ngân sách quân sự của Israel năm 2022.

Mỹ hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Israel với thương mại song phương hàng năm đạt gần 50 tỷ USD. Quan chức Mỹ từ lâu khẳng định mối quan hệ với Israel có giá trị chiến lược trong nỗ lực duy trì ổn định Trung Đông, ngăn tình trạng bất ổn có thể đe dọa khả năng tiếp cận nguồn dầu khu vực của Mỹ. Gần đây, Israel trở thành trụ cột chính trong mục tiêu tạo ra "Trung Đông hội nhập, thịnh vượng và an toàn" của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số láng giềng Hồi giáo, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco. Giới quan sát lo ngại cuộc đột kích của Hamas sẽ làm đảo lộn các cuộc đàm phán do chính quyền ông Biden làm trung gian để hòa giải quan hệ giữa Israel và đối thủ Saudi Arabia.

Ngoại giao tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Hamas liên tiếp diễn ra - Ảnh 2.

Mỹ cần tìm thế cân bằng để tránh sa lầy tại Trung Đông

Quan hệ chặt chẽ và sâu rộng với Israel đã khiến Mỹ thật khó để tách khỏi các hoạt động quân sự của Israel theo bất kỳ cách nào.

Bài toán khó đặt ra với Mỹ trong cuộc xung đột lần này là vừa hỗ trợ đồng minh thân cận nhất của nước này ở Trung Đông, song vẫn phải tìm cách cân bằng hành động để tránh nguy cơ sa lầy vào cuộc xung đột khu vực nguy hiểm.

Hãng tin BBC của Anh đăng bài viết với nhan đề "Có ít lý do để lạc quan sau chuyến công du của Antony Blinken".

Tác giả bài viết nhận định, mỗi điểm dừng chân trong chuyến công du lần này của ông Blinken đều đặt ra những thách thức riêng và cho thấy rất khó để có thể đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết xung đột. Thách thức lớn nhất mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phải đối mặt là ông đang cố gắng tìm ra một nền tảng trung gian mà cho đến lúc này vẫn chưa tồn tại.

Hiện tại, cả hai phía Israel và các nước Arab đều không tỏ ra bị thuyết phục hoàn toàn bởi những đề xuất của ông Blinken. Một phần nguyên do là bởi cả hai bên đều đang phải đối mặt với những áp lực trong nước, kéo hai bên ra xa nhau hơn.

al Jazeera đưa tin, chuyến công du của ông Blinken và đặc biệt là Hội nghị bộ trưởng tại Amman diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo khu vực vì đã không thuyết phục được Israel đồng ý ngừng bắn nhân đạo để giảm bớt khó khăn cho dân thường ở Gaza.

Ngoại giao tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Hamas liên tiếp diễn ra - Ảnh 3.

Trang này dẫn lời ông Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của Tổng thống UAE, cho biết Mỹ cần thúc đẩy chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và một chiến lược mới, nếu không, nước này sẽ bị coi là không hiệu quả trong khu vực.

Đề cập đến việc Israel từ chối thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức, điều mà các quốc gia Arab đang hối thúc, tờ Time dẫn lời các quan chức của Mỹ tin tưởng rằng Thủ tướng Netanyahu có thể không phản đối kế hoạch này gay gắt đến vậy, nếu có thể thuyết phục ông này rằng việc giảm bớt tình trạng khó khăn của người Palestine ở Gaza là vì lợi ích chiến lược của Israel.

Số người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Dải Gaza đã làm dấy lên sự phẫn nộ ngày càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế, với hàng chục nghìn người ở nhiều nước trên thế giới đã xuống đường tuần hành yêu cầu ngừng bắn.

Các quốc gia Arab đang phản đối đề xuất của phía Mỹ rằng các nước này cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết khủng hoảng. Họ bày tỏ sự phẫn nộ trước số dân thường thiệt mạng trong các hoạt động quân sự của Israel, song vẫn tin rằng vấn đề Gaza phần lớn do chính Israel gây ra.

Israel hiện đang phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi vì phản ứng quân sự mạnh mẽ. Việc Mỹ thể hiện sự ủng hộ với Israel có nguy cơ khuấy động làn sóng chống Mỹ ở Trung Đông, khi các nước láng giềng chứng kiến thương vong và sự tàn phá vì xung đột ở Gaza. Trước nguy cơ tổn hại mối quan hệ với thế giới Arab, Mỹ đang nỗ lực sử dụng ảnh hưởng của mình với đồng minh thân cận Israel để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tồi tệ hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước