Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006, Nhật Bản phải chứng kiến một lượng lớn nguyên liệu sữa không thể tiêu thụ. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài đến ngành chăn nuôi bò sữa nước này.
Ông Takimazawa, một nông dân chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Nagano, cho biết, trong năm nay chi phí chăn nuôi đã tăng đến 20%, tuy nhiên, điều khó khăn hơn nữa là sữa nguyên liệu sản xuất từ trang trại với hơn 50 con bò sữa của ông có nguy cơ không thể tiêu thụ và phải đổ bỏ.
"Hiện nay nguồn cung sữa đang quá dư thừa, không thể bán hết, nếu tiếp tục như thế này, cơ sở như chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Theo Hiệp hội bò sữa Nhật Bản, tình trạng dư thừa tạm thời chủ yếu là do năng lực sản xuất của ngành công nghiệp sữa đã tăng đáng kể, sản lượng tăng do thời tiết thuận lợi, trong khi nhu cầu của thị trường chưa thực sự phục hồi sau dịch COVID-19. Nếu tình hình không được cải thiện, số lượng sữa dư thừa phải bỏ đi có thể lên tới 10.000 tấn mỗi ngày.
Ông Masatoshi Uchihashi - Giám đốc điều hành, Hiệp hội bò sữa Nhật Bản cho biết: "Tình trạng dư thừa không chỉ gây thiệt hai kinh tế cho những nông dân chăn nuôi bò sữa, mà còn gây thiệt hại cho cả ngành công nghiệp thực phẩm, cản trở mục tiêu phát triển bền vững".
Cung cấp các sản phẩm mới với hàm lượng sữa cao hơn, phát phiếu mua sữa cũng như cung cấp sữa miễn phí cho các cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi đang được các doanh nghiệp sản xuất đưa ra để hỗ trợ tiêu thụ, tuy nhiên, các giải pháp trên cũng chỉ giải quyết được một phần lượng sữa dư thừa hiện nay.
Theo dự báo, nhu cầu sữa sẽ tiếp tục giảm trong kỳ nghỉ Đông vào cuối năm và đầu năm mới, các trang trại sữa và doanh nghiệp chế biến đang kêu gọi người dân tăng cường tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa để hỗ trợ nông dân trong nước vượt qua khó khăn hiện tại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!