Chứng nhận đã tiêm vaccine được hy vọng sẽ là biện pháp hữu ích trước mắt để phục hồi kinh tế. Ảnh: Báo Nhân dân
27 nước thành viên Liên minh châu Âu không thể xây dựng một hệ thống chung mà tự đưa ra giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 của riêng mình, biện pháp này sẽ để lại vô số hậu quả nghiêm trọng. Khuyến cáo trên được ông Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp EU đưa ra.
Đến nay, trong các cuộc thảo luận, giới chức các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đối với nhiều vấn đề, trong đó có chi phí, dữ liệu, các vấn đề quyền riêng tư, khía cạnh kỹ thuật và y tế của hệ thống mới.
Nếu EU không thể xây dựng hệ thống chung, nhiều chứng nhận có thể không thể đọc và được xác minh ở các quốc gia thành viên khác. Khi đó, nhiều chứng nhận giả có thể lan tràn, đồng nghĩa virus SARS-CoV-2 khó bị ngăn chặn.
Hiện các nước Nam Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, như Tây Ban Nha và Italy rất muốn áp dụng "chứng nhận vaccine" càng sớm càng tốt để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau tác động của đại dịch. Tuy nhiên, các nước ở phía Bắc lại không sẵn lòng thực hiện kế hoạch này.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang dự định triển khai hộ chiếu vaccine để tạo điều kiện cho những người đã tiêm phòng COVID-19 đi du lịch nước ngoài.
Các hộ chiếu sẽ được phát hành dưới dạng một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hành khách sẽ quét mã QR tại các sân bay trước khi lên máy bay hoặc khi nhập cảnh Nhật Bản. Ứng dụng sẽ kết nối với mạng thống kê tiêm chủng, một cơ sở dữ liệu chính phủ về những người đã được tiêm. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội cùng với Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng kế hoạch chi tiết về việc phát hành hộ chiếu vaccine.
Để khắc phục những điểm yếu như có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng, các hộ chiếu vaccine mà Chính phủ Nhật Bản phát hành cũng có phần nêu kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!