Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy

Nguyễn Mai (Theo Sky News, The Guardian, CNN)-Thứ ba, ngày 20/10/2020 08:00 GMT+7

Thềm băng nguyên vẹn cuối cùng ở Canada nứt vỡ hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: Sky News

VTV.vn - Các sông băng ở Thụy Sỹ tiếp tục bị thu hẹp với tốc độ báo động trong năm nay. Lượng băng tích tụ trên sông băng lớn nhất dãy Alps cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Lượng băng tích tụ trên sông băng lớn nhất
thuộc dãy Alps xuống mức thấp kỷ lục

Nghiên cứu của Viện Khoa học Thụy Sỹ cho biết mặc dù năm 2020 chưa phải là năm có tỷ lệ băng tan đạt đỉnh, nhưng các sông băng ở dãy Alps của Thụy Sỹ vẫn không ngừng thu hẹp, mất 2% khối lượng băng trong năm nay. Tiến sĩ Matthias Huss thuộc Mạng lưới Theo dõi sông băng (GLAMOS), nhận định lượng băng bị mất trên là rất "đáng lo ngại" dù thấp hơn một chút so với 3 năm gần đây trong bối cảnh nhiệt độ trái đất ngày một tăng cao. Ông nhấn mạnh lượng băng bị mất 2% chỉ trong một năm thực sự là rất nhiều.

Trong 60 năm qua, lượng nước đã mất trên các sông băng ở Thụy Sỹ đủ để lấp đầy hồ Constance nằm trên biên giới 3 nước Thụy Sỹ, Đức và Áo, trải dài 63 km. Nghiên cứu cũng phát hiện điều đáng lo ngại nhất trong năm nay là lượng băng tích tụ trên sông băng Aletsch giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 1.

Hình chụp vệ tinh do NASA cung cấp, thấy rõ những vệt sạt lở trên các sườn núi do băng tan.

Tiến sĩ Huss cho biết kể từ khi công tác đo đạc được thực hiện tại khu vực này hơn 100 năm trước, lượng băng tích tụ trên sông băng Aletsch trong năm nay ở mức "thấp nhất". Ông nhấn mạnh mặc dù nơi đây vẫn lạnh, song lượng băng còn tồn tại ở độ cao này vẫn quá ít, và đây chắc chắn là một dấu hiệu xấu cho sông băng Aletsch.

Sông băng Aletsch nằm trên diện tích 86 km2 và ước tính tích trữ khoảng 11 tỷ tấn băng, đã bị thu hẹp chiều dài khoảng 1km kể từ đầu thế kỉ 21 này. Sông băng này nằm trong số hơn 4.000 sông băng nằm rải rác trên dãy Alps, cung cấp nước cho hàng triệu người dân và tạo nên một số cảnh quan ngoạn mục nhất tại châu Âu.

Trong một nghiên cứu do đại học kỹ thuật ETH tại Zurich, Thụy Sĩ thực hiện và công bố hồi năm ngoái, khoảng 95% các con sông băng nói trên sẽ biến mất vào năm 2100 nếu các nước trên thế giới không kiểm soát được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo dự báo này, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 là giữ nhiệt độ của Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp, thì vẫn có tới 2/3 số sông băng thuộc dãy Alps có nguy cơ biến mất.

Sông băng biến mất, sóng thần xuất hiện

Tại Alaska và những nơi cao, lạnh giá khác trên thế giới, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng các ngọn núi đang sụp đổ khi lớp băng vĩnh cửu giữ chúng lại với nhau tan chảy. Những ngọn núi rơi xuống biển có thể tạo nên sóng thần. Các nhà khoa học đang cảnh báo rằng những khu vực đông dân cư và các điểm du lịch tại các vùng này đang có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Một khu vực đáng quan tâm là độ dốc của vịnh hẹp Barry Arm ở Alaska nhìn ra tuyến đường tàu du lịch nổi tiếng.

Sạt lở đất ở vịnh Barry Arm bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ trước, tăng tốc cách đây một thập kỷ và được phát hiện vào năm nay qua những bức ảnh chụp vệ tinh của NASA. Nếu sạt lở đất xảy ra, những cơn siêu sóng thần có thể ập vào bất kỳ lúc nào trong khu vực và cao hàng trăm mét, đổ lên những ngọn núi gần đó, nhấn chìm địa điểm du lịch nổi tiếng và nuốt chửng thị trấn Whittier. Đầu năm nay, 14 nhà địa chất đã cảnh báo rằng một đợt sạt lở "có thể xảy ra" trong vòng từ 1 đến 20 năm tới.

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 2.

Lở đất tạo nên những đợt sóng thần tại Alaska. Ảnh The Guardian

Vào năm 2015, một trận lở đất tương tự, trên một con dốc cũng đã âm thầm diễn ra trong nhiều thập kỷ, đã tạo ra một cơn sóng thần xé toạc các khu rừng ở độ cao 193 mét trên sườn núi Taan Fiord của Alaska.

"Khi khí hậu thay đổi," nhà địa chất Bretwood Higman, người đã nghiên cứu tại khu vực Taan Fiord và Barry Arm, cho biết, "cảnh quan cần có thời gian để điều chỉnh. Nếu một sông băng rút đi một cách nhanh chóng, nó có thể khiến các sườn núi xung quanh sạt lở một cách bất ngờ".

Sau khi xem xét các bức ảnh vệ tinh trong 30 năm qua, nhà địa chất học Erin Bessette-Kirton đã phát hiện ra rằng lở đất ở vùng núi St Elias của Alaska và Vịnh Glacier xảy ra tương ứng với những năm ấm nhất.

Trong một thế kỷ qua, 10 trong số 14 trận sóng thần cao nhất được ghi nhận đã xảy ra ở các khu vực núi có băng. Năm 1958, một vụ lở đất ở vịnh Lituya của Alaska đã tạo ra một con sóng cao 524 mét - cao nhất từng được ghi nhận. Trong trận động đất năm 1964 ở Alaska, hầu hết các trường hợp tử vong là do lở đất dưới nước dẫn đến sóng thần.

Để đối phó với mối nguy hiểm này, các chuyên gia hy vọng có thể dự đoán khi nào một con dốc có nhiều khả năng sạt lở hơn bằng cách lắp đặt các cảm biến trên những con dốc nguy hiểm nhất để đo gia tốc.

Những giải pháp công nghệ có thể giải quyết
khủng hoảng băng tan

Việc phát hiện và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu nhưng chúng cũng cho phép nhân loại nhận thức được tác động của con người đối với hành tinh và nhận thấy cần phải phát triển các kỹ thuật để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.

Chụp Carbon

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 3.

Các - bon do Net Zero Teeside thu được sẽ bị chôn vùi dưới Biển Bắc. Ảnh: Sky News

Nhiệt độ trung bình tăng của Trái đất chủ yếu được các nhà khoa học đổ lỗi là do con người phát thải khí nhà kính đã giữ bức xạ trong bầu khí quyển thay vì thoát ra ngoài không gian.

Trong số các khí nhà kính nguy hiểm nhất là carbon dioxide (CO2), nồng độ của chúng đã tăng gần 50% kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Những đổi mới đang được sử dụng để giảm lượng khí thải CO2 bao gồm công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon - với dự án Net Zero Teesside (NZT) là một ví dụ thú vị.

Dự án NZT nhằm mục đích thu giữ CO2 được tạo ra trong các quy trình công nghiệp và nhà máy điện, vận chuyển lượng khí thải này bằng đường ống tới các điểm lưu trữ ngoài khơi cách Biển Bắc vài km. Sau đó lượng khí này được cô lập ở những khu vực an toàn sâu dưới biển, carbon khi đó sẽ không còn góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính và thậm chí nó có thể được tổng hợp thành nhiên liệu mới cho hệ thống giao thông trong tương lai. Mục đích nhằm giảm lượng khí thải carbon trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon xuống mức 0 vào đầu năm 2030.

Cho bò ăn rong biển

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 4.

Bò là động vật thải lượng lớn khí mê-tan. Ảnh: Sky News

Một loại khí nhà kính đáng kể khác là khí mê-tan, lượng khí thải này đang đạt mức kỷ lục do chăn nuôi gia súc.

Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Anh, nông nghiệp chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khí thải mê-tan trong khoảng từ năm 2000 đến 2017, nhiên liệu hóa thạch đóng góp phần lớn vào 1/3 còn lại.

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 5.

Bò ăn rong biển sẽ thải ít khí mê-tan trong quá trình tiêu hóa thức ăn hơn

Khí mê-tan này chủ yếu đến từ việc gia súc ợ hơi do cách bò tiêu hóa thức ăn lên men trong dạ dày của chúng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một loại rong biển đỏ mọc ở vùng nhiệt đới có thể làm giảm 80% lượng khí mê-tan thải ra ở bò khi nó được bổ sung vào thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, với gần 1,5 tỷ đầu gia súc trên toàn cầu, hiện tại không có đủ loại rong biển này để ngăn chặn những cơn ợ hơi mặc dù một số nhà khoa học có thể tái tạo thành phần quan trọng trong loại rong biển này.

Làm việc từ xa

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 6.

Làm việc từ xa sẽ giảm lượng khí thải từ xe cộ lưu thông trên đường. Ảnh: Sky News

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhiều công việc văn phòng có thể được làm việc từ xa, đồng nghĩa có thể giảm phát thải từ các phương tiện giao thông và các tòa nhà văn phòng. Việc lái xe đi làm là nguồn phát thải carbon lớn nhất ở các nước phát triển.

Công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa đã nhanh chóng được áp dụng khi các doanh nghiệp cố gắng thích nghi với tác động của dịch COVID-19 trong khoảng thời gian các chính phủ áp dụng quy định phòng dịch lây lan.

Tuy nhiên, làm việc từ xa có thể chỉ là một phương pháp hiệu quả để giảm lượng khí thải trong mùa hè. Bởi nó chỉ ra rằng khi các tòa nhà cần được sưởi ấm trong mùa đông, việc có nhiều người ở trong một tòa nhà sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc làm việc từ xa.

Sử dụng hiệu quả năng lượng hộ gia đình

Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy - Ảnh 7.

Giảm tiêu thụ điện năng hộ gia đình có thể tiết kiệm kinh tế và giảm lượng khí thải CO2. Ảnh: Sky News

Giải pháp công nghệ hiệu quả nhất đối với biến đổi khí hậu là giảm tiêu thụ năng lượng tổng thể và điều tuyệt vời nhất là làm cho các ngôi nhà có thể tiết kiệm năng lượng hơn.

Công nghệ để đạt được điều này đã có, với nhiều sản phẩm mới nhất trên thị trường có khả năng tiết kiệm hàng trăm bảng Anh hóa đơn gia đình hàng năm.

Liên minh châu Âu đã thiết lập một chương trình dán nhãn cho các thiết bị về đánh giá mức độ tiết kiệm năng lượng, thông báo cho người tiêu dùng về chi phí họ phải trả để chạy tủ lạnh và máy giặt, cũng như các sản phẩm khác từ bóng đèn đến tivi.

Trên toàn EU, các tòa nhà tiêu thụ 40% tổng năng lượng và chịu trách nhiệm cho 35% lượng khí thải CO2, trong khi mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi hộ gia đình đã giảm trong 50 năm qua do các biện pháp hiệu quả.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước