Từ đầu tháng 8 này, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm tính toán chỉ số mới - chỉ số GDP xanh. Với chỉ số này, Nhật Bản có thể đánh giá quá trình sản xuất của nước này có mang tính bền vững hay không.
Chỉ số GDP xanh này dựa trên tính toán nếu lượng khí thải giảm, tức là tăng trưởng kinh tế không tạo ra gánh nặng cho môi trường, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ được cộng thêm. Và ngược lại, lượng khí thải tăng lên thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ bị trừ đi. Để dễ tính toán, Nhật Bản cũng đưa ra sáng kiến về quy đổi khối lượng khí thải thành một lượng tiền nhất định.
Nếu áp dụng tính toán GDP xanh trong giai đoạn 1995-2020, GDP trung bình của Nhật Bản sẽ là 1,04%, cao hơn 0,47% so với GDP thông thường được đưa ra trước đó. Đây là tín hiệu tích cực cho nỗ lực cắt giảm khí thải nhiều năm qua của nước này, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực cắt giảm khí thải, hướng tới mục tiêu khí thải bằng 0 vào năm 2050.
Việc thực hiện những bước đầu tiên trong nghiên cứu đo lường GDP xanh phần nào phản ánh tiến bộ của Nhật Bản trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong tăng trưởng kinh tế.
Hiểu đơn giản, chỉ số GDP xanh sẽ bằng chỉ số GDP thông thường trừ đi các chi phí về môi trường trong quá trình sản xuất kinh tế, điều này có nghĩa là đối với những quốc gia có chi phí tài nguyên và môi trường quá lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế theo chỉ số GDP xanh còn có thể âm. Do đó, yếu tố tác động lớn đến đánh giá GDP xanh tại Nhật Bản, tất nhiên đó là yếu tố liệu nước này có giảm phát thải khí nhà kính được hay không.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì Nhật Bản có lợi thế rất lớn, ngoài lợi thế về công nghệ, Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về tăng trưởng xanh, thông qua phát hành 150,40 tỷ USD trái phiếu "chuyển đổi xanh" vào tháng 5 vừa qua, để hướng tới một xã hội không có carbon. Có thể thấy Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng chỉ số GDP xanh thay thế cho chỉ số GDP thông thường.
Chỉ số GDP xanh mang lại lợi thế gì cho Nhật Bản?
Có 5 lý do chính khi Nhật Bản có kế hoạch sử dụng chỉ số GDP xanh, thứ nhất áp dụng GDP xanh sẽ tăng niềm tin của doanh nghiệp đối với cam kết và nỗ lực của chính phủ trong giải quyết các vấn đề môi trường.
Thứ hai, thúc đẩy xu hướng phát triển xanh, từ đó kích thích nhu cầu, mở ra thị trường mới đối với các hàng hóa dịch vụ, công nghệ xanh, lĩnh vực vốn là thế mạnh của Nhật Bản.
Thứ ba là, tạo ra các động lực để sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới việc phân bổ, sử dụng tài nguyên với giá trị cao nhất.
Thứ tư, thúc đẩy cải tiến công nghệ hướng tới tăng trưởng bền vững, hạn chế các tác động của quá trình sản xuất kinh doanh đến môi trường sống. Và cuối cùng là tăng giá trị cho tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản, rõ ràng là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản lớn hơn khi áp dụng GDP xanh, điều này, tất nhiên sẽ mang lại sự lạc quan cho doanh nghiệp đối với nền kinh tế nước này.
Chỉ số GDP thông thường sẽ không phản ánh đúng trạng thái thực của nền kinh tế bền vững. Mỗi năm GDP tăng trưởng cao, nhưng không biết được cái giá là nguồn vốn tự nhiên bị hao mòn bao nhiêu. GDP tăng cũng chưa chắc đời sống của người dân được tăng theo, cũng vì thế mà Nhật Bản bây giờ bắt đầu tính đến GDP xanh. Và đây chỉ là một trong nhiều hành động của Chính phủ Nhật Bản để hướng tới nền kinh tế bền vững.
Thủ tướng Kishida Fumio coi "chuyển đổi xanh" là một mục tiêu chính sách quan trọng và chính phủ của ông đang tích cực tìm cách thực hiện cam kết cắt giảm 46% lượng khí thải carbon vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!