Vệ tinh thử nghiệm được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) và công ty khai thác gỗ Sumitomo Forestry, với tên gọi LignoSat, có kích thước 4 inch (khoảng 10 cm) mỗi cạnh. Những người sáng tạo hy vọng vật liệu gỗ sẽ bốc cháy hoàn toàn, nhằm tránh tạo ra các mảnh vỡ kim loại khi vệ tinh ngừng hoạt động và quay trở về bầu khí quyển Trái đất. Các nhà phát triển cho biết các hạt kim loại có thể có tác động tiêu cực đến môi trường và mạng lưới viễn thông.
Ông Takao Doi, một phi hành gia và là giáo sư đặc biệt tại Đại học Kyoto, phát biểu trong một cuộc họp báo ra mắt LignoSat hôm 28/5 rằng: "Các vệ tinh không được làm bằng kim loại sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai".
Các nhà phát triển đã lên kế hoạch bàn giao vệ tinh làm từ gỗ mộc lan LignoSat cho Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản JAXA vào tuần tới. Họ cho biết nó sẽ được đưa vào vũ trụ trên một tên lửa đẩy SpaceX từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào tháng 9 năm nay, hướng tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Vệ tinh sẽ được phóng từ mô-đun thí nghiệm của Nhật Bản trên ISS để kiểm tra sức mạnh và độ bền của nó.
Người phát ngôn công ty Sumitomo Forestry chia sẻ với hãng tin AFP rằng: "Dữ liệu sẽ được gửi từ vệ tinh đến các nhà nghiên cứu để kiểm tra xem liệu vệ tinh có thể chịu được những thay đổi lớn về nhiệt độ khắc nghiệt trong vũ trụ hay không".
Cũng trong ngày 28/5, tên lửa mang theo một vệ tinh phức tạp riêng biệt EarthCARE - nằm trong dự án hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và JAXA - đã được phóng từ California trong sứ mệnh điều tra vai trò của các đám mây trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vệ tinh EarthCARE sẽ quay quanh Trái đất gần 250 dặm trong 3 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!