Tại Nhật Bản, Nhật hoàng không can dự vào việc điều hành quốc gia cũng như không tham gia vào các hoạt động chính trị. Tuy nhiên, Hoàng gia Nhật Bản vẫn giữ vai trò biểu tượng quan trọng. Nhà vua là người đứng đầu đất nước, hình mẫu về mặt đạo đức, lối sống, vượt lên trên các khác biệt về quan điểm chính trị, tôn giáo, là người đoàn kết và thống nhất quốc gia. Chính vì có vai trò biểu tượng lớn lao như vậy nên người dân Nhật Bản rất kính trọng hoàng gia và mong chờ Hoàng thái tử Naruhito sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình giống như vua cha là Nhật hoàng Akihito.
Lễ thoái vị của Nhật Hoàng Akihito cũng như lễ đăng quang của Hoàng thái tử Naruhito là sự kiện có ý nghĩa trọng đại với đất nước Nhật Bản. Lễ đăng quang của Hoàng thái tử Naruhito sẽ đánh dấu sự khởi đầu của niên hiệu Lệnh Hòa, niên hiệu này sẽ áp dụng cho tất cả các văn bản hành chính cũng như trên các tờ tiền mới được in ấn.
Đồng thời, trong lễ đăng quang, vị vua mới của Nhật Bản sẽ tiếp nhận các biểu tượng quyền lực của hoàng gia là ba đại thần khí: thanh gươm Kasanagi, gương Yata và ngọc Yasakani. Đây là các bảo vật được quan niệm có tính chất thần thánh và đã được lưu giữ trong suốt hàng trăm năm. Tuy nhiên, hình ảnh về các thần khí này nhiều khả năng sẽ không được công bố cho công chúng. Sau lễ đăng quang, Nhật Bản sẽ lấy ngày sinh của Hoàng thái tử Naruhito, ngày 23/2, làm ngày lễ quốc gia hàng năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!