Các quán rượu và nhà hàng tại Nhật Bản có hơn 10.900 trường hợp bị mất việc do dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Trong các cuộc thảo luận sửa đổi Luật về các biện pháp đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản dự định sửa đổi luật trên theo hướng tăng quyền lực cho thống đốc các tỉnh, qua đó họ có thể buộc những cơ sở kinh doanh rút ngắn thời gian hoạt động, hoặc tạm thời đóng cửa ở những khu vực mà dịch bệnh đang lây lan nhanh. Tuy nhiên, luật sửa đổi cũng sẽ nêu rõ cần phải hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh tuân thủ những yêu cầu như vậy.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Bộ Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, nói: "Chúng tôi nhận được sự thông cảm của các thành viên (trong Ban chỉ đạo về ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ) về sự cần thiết phải sửa đổi luật trên. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thúc đẩy các cuộc thảo luận này".
Theo Điều 24 của Luật về các biện pháp đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19, thống đốc các tỉnh chỉ được phép yêu cầu những cơ sở kinh doanh ăn uống rút ngắn thời gian hoạt động và tạm thời đóng cửa để đối phó với đại dịch, nhưng yêu cầu này không mang tính bắt buộc.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ đệ trình dự thảo luật sửa đổi lên Quốc hội nước này trong kỳ họp thường niên vào đầu năm 2021.
Ngày 23/12, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày cao kỷ lục với hơn 3.200 trường hợp. (Ảnh: AP)
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày 23/12, Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 3.200 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là số người mắc mới trong một ngày cao nhất từ trước tới nay tại Nhật Bản. Trong đó, riêng thủ đô Tokyo có 748 ca. Cùng ngày, số người tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản cũng cao kỷ lục với 56 trường hợp.
Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, từ cuối tháng 1 đến ngày 21/12/2020, có 78.153 người ở nước này đã hoặc có nguy cơ thất nghiệp do dịch COVID-19 tác động đến các hoạt động kinh doanh. Cụ thể, lĩnh vực chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 15.672 người mất việc, tiếp đến là các quán rượu và nhà hàng với 10.935 trường hợp. Lĩnh vực bán lẻ có 10.384 người thất nghiệp, ngành khách sạn là 9.605 trường hợp và các công ty phái cử lao động là 5.084 người. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản cho rằng, con số thực tế có thể còn cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!