Một gói cải cách phong cách làm việc vừa được Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đệ trình lên Quốc hội. Bản kế hoạch này nếu được thông qua sẽ là văn bản pháp lý đầu tiên chưa từng có tại đất nước Mặt Trời mọc quy định về số giờ làm thêm, về những nguyên tắc theo phương châm "làm công bằng, trả bình đẳng".
Gói cải cách này được hy vọng sẽ cải thiện điều kiện làm việc của những người làm bán thời gian cũng như cho phép người lao động được nhận lương dựa trên hiệu suất làm việc thay vì số giờ làm tại nơi làm việc như hiện nay. Cụ thể gói cải cách phong cách làm việc hạn chế thời gian làm việc kéo dài của người lao động thông qua các quy định chặt chẽ về làm thêm giờ, về hình phạt đối với người vi phạm; thu hẹp sự chênh lệch về tiền lương và điều kiện làm việc giữa những người làm việc toàn thời gian và bán thời gian, khi lực lượng lao động bán thời gian đang chiếm tới 40%.
Với việc đưa ra kế hoạch cải cách phong cách làm việc, Thủ tướng Bản Shinzo Abe muốn đích thân tuyên chiến với những thảm kịch kiểu "Karoshi", nghĩa là làm việc quá sức cho đến chết hoặc tự tử do quá áp lực trong công việc.
Dư luận Nhật Bản đã từng phản ứng dữ dội sau cái chết của cô Matsuri Takahashi hồi năm 2015 do bị quá áp lực trong công việc. Các cuộc điều tra cho thấy cô Matsuri đã chết do hậu quả của văn hóa "Karoshi".
Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, có 191 cái chết được chính thức xác nhận liên quan tới tình trạng làm việc quá sức hoặc tự tử trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2017. Báo cáo cũng chỉ ra một thực trạng rằng, nhân viên tại Nhật Bản đang phải làm việc nhiều hơn đáng kể so với tại Mỹ, Anh và các nước phát triển khác.
Trước thực trạng số người chết vì "Karoshi" gia tăng, Chính phủ Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm xây dựng một xã hội ở đó người dân có cơ hội làm việc trong điều kiện tốt và được bảo đảm về sức khỏe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!