Nhật Bản dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất vào cuối năm nay.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra kết luận, việc tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết khi các nghiên cứu nước ngoài cho thấy, hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, theo nhóm chuyên gia này, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Các quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, phiếu tiêm vaccine sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2. Nhóm chuyên gia của Bộ này sẽ thảo luận ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng nào trước trên cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm ở các nước khác.
Liên quan tới khả năng tiêm kết hợp vaccine của nhiều nhà sản xuất, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, các mũi 1 và 2 đều phải là vaccine do một hãng sản xuất. Tuy nhiên, Bộ này sẽ sửa đổi quy định để cho phép người dân được tiêm mũi vaccine tăng cường do hãng khác sản xuất trong một số tình huống nhất định.
Người dân đi tiêm vaccine COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản tháng 5/2021. (Ảnh: AP)
Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, vào ngày 23/8, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản bắt đầu cho phép sử dụng vaccine của AstraZeneca để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.
Ngoài các đối tượng này, vaccine của AstraZeneca còn được sử dụng cho một số trường hợp ngoại lệ như những người dưới 40 tuổi nhưng bị dị ứng với các thành phần trong vaccine của Pfizer và Moderna, hay những người đã được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca ở nước ngoài.
Một nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang giám sát các phản ứng phụ của vaccine AstraZeneca.
Động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều biến chủng virus SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn, cùng với đó là những tranh cãi giữa các nhà khoa học xung quanh sự cần thiết của mũi vaccine tăng cường. Tổ chức Y tế Thế giới trước đó đã kêu gọi tạm dừng tiêm mũi thứ 3 cho đến khi các quốc gia đang phát triển, quốc gia nghèo có được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!