Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang ngừng hoạt động sau khi phần lớn bị phá hủy bởi trận động đất, sóng thần vào năm 2011. (Ảnh: AP)
Việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý nói trên được triển khai trong bối cảnh điều kiện thời tiết cho phép, bất chấp những lo ngại của ngư dân địa phương và sự phản đối từ Trung Quốc.
Quyết định gây tranh cãi được đưa ra tại một cuộc họp cấp bộ trưởng vào sáng 22/8, vì một lượng nước thải phóng xạ đáng kể đã tích tụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima kể từ sau thảm họa hạt nhân bởi trận động đất kinh hoàng và sóng thần vào năm 2011.
Chính phủ Nhật Bản có khả năng phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ ngành thủy sản trong nước, những người cảm thấy kế hoạch đang được tiến hành mà không nhận được sự tán thành của họ hoặc giải thích đầy đủ về việc liệu chính phủ có thể thực sự bảo vệ danh tiếng cho các sản phẩm thủy sản của họ hay không.
Trong cuộc họp tại Văn phòng Thủ tướng, ông Kishida tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết nước thải phóng xạ đã qua xử lý này và ngừng hoạt động nhà máy Fukushima bị hư hỏng một cách an toàn, đồng thời nói rằng: "Chính phủ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm, ngay cả khi phải mất hàng thập kỷ".
Sau thông báo của Thủ tướng Kishida, ông Tomoaki Kobayakawa, Chủ tịch Tokyo Electric Power Company Holdings Inc. (TEPCO), công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nói với các phóng viên rằng ông đã chỉ đạo nhân viên "nhanh chóng" bắt đầu chuẩn bị xả nước.
Ảnh chụp vào ngày 19/1 cho thấy các bể chứa nước phóng xạ đã qua xử lý trong khuôn viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima. (Ảnh: Kyodo)
TEPCO xác nhận, lượng nước được xử lý từ khu phức hợp Fukushima sẽ được thải ra biển trong năm tài khóa 2023 đến tháng 3/2024 được ấn định là 31.200 tấn.
Vào tháng 4/2021, người tiền nhiệm của ông Kishida, cựu Thủ tướng Suga Yoshihide, đã chấp thuận việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương "trong khoảng hai năm". Chính phủ Nhật Bản hiện tại cho biết vào tháng 1 rằng họ sẽ thực hiện kế hoạch vào khoảng thời gian từ "mùa xuân đến mùa hè".
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã kết luận vào tháng 7 rằng kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và sẽ có "tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường".
Trong khi một số nước châu Âu đã dỡ bỏ các hạn chế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm mức độ phóng xạ trên các sản phẩm thủy sản từ nước láng giềng trong một nỗ lực rõ ràng nhằm thúc giục Tokyo dừng kế hoạch của mình. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với ý định xả nước thải của Nhật Bản, từ chối sử dụng thuật ngữ giả khoa học "đã được xử lý" để hạ thấp nguy cơ của việc "nước bị ô nhiễm phóng xạ".
Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc cùng với Nga vào tháng 7 đã kêu gọi Nhật Bản tháng xem xét việc làm bốc hơi và thải nước thải phóng xạ vào bầu khí quyển, điều mà Trung Quốc và Nga cho rằng sẽ dẫn đến tác động nhỏ hơn đối với môi trường.
Ông Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo đảng Komeito, thuộc liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Tự do của đương kim Thủ tướng Kishida, bày tỏ sẵn sàng giải thích kế hoạch xả nước thải với Chính phủ Trung Quốc khi ông đến thăm nước này vào tuần tới. Ông Yamaguchi, được biết đến là có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, cũng sẽ trao một bức thư của Thủ tướng Kishida cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, họ tôn trọng kết quả đánh giá của IAEA dựa trên phân tích của chính nước này liên quan đến kế hoạch của Nhật Bản, trong khi các đảng đối lập tại Hàn Quốc vẫn lo ngại về tác động tiêu cực của việc xả nước thải phóng xạ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!