Ngược lại, ngoài khối lượng dầu thô nhập khẩu giảm, nhập khẩu than và đặc biệt là nhập khẩu ngũ cốc giảm mạnh. Tổng khối lượng hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu từ Nga trong tháng 8 tăng 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị lên tới 1,15 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu từ Nhật Bản sang Nga trong kỳ lại giảm 24,3%.
Cuối tháng 6 vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản, thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong tháng này, các nước cũng thông báo ý định áp giá trần đối với dầu của Nga. Theo kế hoạch, việc áp giá trần có thể có hiệu lực vào ngày 5/12/2022 đối với dầu mỏ và ngày 5/2/2023 đối với các chế phẩm từ dầu mỏ. Đáp lại, Moscow cảnh báo, các quốc gia áp giá trần sẽ không có cơ hội nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Tiến tới giảm dần sự phụ thuộc nguồn năng lượng
Nhật Bản có kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga, nhưng không thể loại bỏ ngay lập tức. Quan điểm của Nhật Bản hiện nay là cấm nhập khẩu than và dầu mỏ từ Nga theo từng giai đoạn nhưng vẫn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG.
Theo các chuyên gia, mặc dù là vấp phải sự chỉ trích từ các nước G7 về lập trường trong vấn đề Nga - Ukraine, nhưng từ bài học về thiếu hụt nguồn cung khí đốt đang xảy ra ở châu Âu và khó khăn về năng lượng trong nước, Nhật Bản có ít lựa chọn, ngoài việc tiếp tục nhập khẩu khí LNG từ Nga.
Khí LNG của Nga chiếm khoảng 1/10 lượng khí đốt nhập khẩu của Nhật Bản, hiện hai tập đoàn của Nhật Bản là Mitsui và Mitsubishi đã đàm phán thành công để duy trì 22,5% cổ phần tại mỏ khí đốt Sakhalin-2 để tiếp tục mua khí đốt của Nga, quyết định này được đánh giá là nhanh chóng và hợp lý của Nhật Bản để đảm bảo an ninh năng lượng khi mùa đông lạnh giá đang đến gần.
Nguy cơ lớn về mất an ninh năng lượng
Trong các tuyên bố chính thức, Nhật Bản ủng hộ kế hoạch cùng các nước G7 áp đặt giá trần với dầu mỏ của Nga, theo đó quy định áp đặt giá trần sẽ được thực hiện từ tháng 12 năm nay đối với dầu mỏ và từ tháng 2/2023 đối với các chế phẩm dầu.
Đáp trả với động thái áp đặt giá trần từ các nước G7, Moscow cảnh báo, các nước áp dụng giá trần sẽ không có cơ hội nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Động thái cứng rắn của Nga trong cuộc chiến năng lượng đối với các nước phương Tây đang đặt Nhật Bản vào thế khó xử, đặc biệt là khi cơ cấu năng lượng của Nhật Bản dễ bị tổn thương hơn các nước G7 khác, tỷ lệ tự cung tự cấp năng lượng của Nhật Bản chiếm 11%, thấp hơn nhiều so với Mỹ là 106% Canada 179%, Vương quốc Anh 75%. Nếu Nga ngừng bán dầu mỏ và khí đốt cho Nhật Bản, Nhật Bản sẽ đối mặt với nguy cơ lớn về mất an ninh năng lượng.
Nhật Bản cũng có sự chuẩn bị cho kịch bản mất nguồn cung LNG từ dự án dầu khí Sakhalin-2 của Nga, như từ nay đến năm 2025, tăng cường mua lại từ các công ty Trung Quốc nếu nguồn cung LNG của Nga sụt giảm. Còn từ sau năm 2026, Nhật Bản sẽ ký hợp đồng dài hạn mới về cung ứng LNG với Mỹ, Australia, Qatar cũng như thúc đẩy sự phát triển của các dự án khai thác mới với các quốc gia khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!