Nhận định trên được đưa ra khi khu vực châu Á phải hứng chịu đợt nắng nóng cực điểm và nhiệt độ toàn cầu tăng cao phá kỷ lục. Nắng nóng cực độ đã tàn phá châu Á từ Ấn Độ đến Philippines trong những tuần gần đây, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong do say nắng, sốc nhiệt, trường học phải đóng cửa và người dân cầu mưa giải nhiệt.
Achmad Fachri Radjab - người đứng đầu Trung tâm thông tin về biến đổi khí hậu thuộc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) - cho biết: "Nhiệt độ không khí trung bình vào tháng 4/2024 là cao nhất so với tháng 4 hàng năm trong giai đoạn 1981 - 2023".
Ardhasena Sopaheluwakan - Phó Phòng khí Kậu học của BMKG - cũng xác nhận nhận định trên với AFP.
Theo dữ liệu của BMKG, Indonesia ghi nhận nhiệt độ không khí trung bình trong tháng 4 là 27,74oC, con số cao nhất trong các tháng 4 kể từ năm 1981 và cao hơn 0,1oC so với nhiệt độ trung bình tháng 4 cao nhất gần đây nhất được thiết lập vào năm 2016.
Cơ quan này cho biết nhiệt độ trong tháng 4 năm nay đã tăng gần 1oC so với nền nhiệt trung bình của tháng 4 hàng năm là 26,85oC trong giai đoạn từ năm 1991 - 2020.
Theo BMKG, nhiệt độ không khí trung bình vào tháng 4/2024 là cao nhất trong hơn 40 năm qua (Ảnh: AFP)
Ông Radjab nói: "Năm nay, nhiệt độ cao hơn 0,89oC so với mức trung bình (trong giai đoạn đó). Khi nói đến nguyên nhân, có rất nhiều yếu tố, không chỉ vấn đề khí hậu mà cả yếu tố môi trường cũng gây ảnh hưởng".
Kết quả các nghiên cứu khoa học sâu rộng đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến những đợt nắng nóng kéo dài hơn, diễn ra thường xuyên hơn với cường độ dữ dội hơn.
Theo Cơ quan Giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu, kể từ tháng 6/2023, mỗi tháng đều là khoảng thời gian ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu.
Cư dân khu vực Nam Á và Đông Nam Á từ Myanmar đến Philippines vào tháng 4 năm nay đã phải hứng chịu mức nhiệt cao kỷ lục. Hơn 100 kỷ lục nhiệt độ đã được ghi nhận trên khắp Việt Nam vào tháng 4, trong khi Bangladesh và Myanmar cũng chứng kiến kỷ lục nhiệt độ trong tháng này bị phá vỡ.
Tuy nhiên, chuyên gia BMKG cho biết nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 4 năm nay ở Indonesia không liên quan đến đợt nắng nóng trên diện rộng trong khu vực. Thay vào đó, chuyên gia cho rằng việc chuyển sang mùa khô khiến lượng mưa ít hơn và nhiệt độ không khí cao hơn đã dẫn đến đợt nóng chưa từng thấy trong tháng 4 ở Indonesia.
Hiện tượng thời tiết El Nino - làm ấm Thái Bình Dương và dẫn đến thực trạng nhiệt độ toàn cầu tăng lên - đã đạt đỉnh điểm vào đầu năm nay. Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu phá kỷ lục vào tháng 4 trong tháng thứ 13 liên tiếp.
Mực nước biển dâng cao đe dọa quần đảo gồm hơn 17.000 hòn đảo của Indonesia và nơi đây có thể sẽ chìm dưới nước trong tương lai. Chính phủ Indonesia đang chuyển thủ đô từ Jakarta đến khu vực phía Đông đảo Borneo. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu môi trường, khu vực rộng lớn của thành phố Jakarta có thể bị nhấn chìm vào năm 2050.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!