Đây là kết quả báo cáo từ Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office).
Bản cập nhật khí hậu toàn cầu hàng năm và theo thập kỷ do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thực hiện cũng cho thấy, khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong giai đoạn 5 năm từ năm 2022 - 2026 sẽ cao hơn mức trung bình trong 5 năm qua (2017 - 2021) lên đến 93%.
Tiến sĩ Leon Hermanson thuộc Met Office, người dẫn đầu báo cáo, cho biết: "Các dự đoán khí hậu mới nhất của chúng tôi cho thấy, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có khả năng (nền nhiệt) một trong những năm từ năm 2022 đến 2026 sẽ vượt quá 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Một năm nhiệt độ vượt mức trên 1,5°C không có nghĩa là chúng ta đã vi phạm ngưỡng mang tính biểu tượng của Thỏa thuận Paris, nhưng điều này cho thấy, chúng ta đang tiến gần hơn đến tình huống mức nhiệt có thể vượt quá 1,5°C trong một thời gian dài".
Các tảng lớn dần tan chảy, tách ra và trôi nổi khi nhiệt độ Trái đất nóng lên. (Ảnh: AP)
Vào năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,1°C so với mức cơ sở thời kỳ tiền công nghiệp, theo báo cáo tạm thời của WMO về Tình trạng Khí hậu Toàn cầu. Báo cáo cuối cùng của WMO sẽ được chính thức phát hành vào ngày 18/5.
Trong khi đó, hiện tượng La Niña liên tiếp diễn ra vào đầu và cuối năm 2021 có tác động làm giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng điều này chỉ là tạm thời và sẽ không đảo ngược được xu hướng ấm lên trên toàn thế giới trong dài hạn.
Tiến sĩ Andrew King, giảng viên Khoa học Khí hậu tại Trường Địa lý, Trái đất và Khí quyển, Đại học Melbourne, nhận xét: "Trong khi Thỏa thuận Paris hướng đến giữ cho Trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C và tốt nhất là dưới 1,5°C trong thời gian dài, khả năng vượt qua ngưỡng 1,5°C dù chỉ trong một năm là rất đáng lo ngại".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!