Báo Financial Times ngày 12/4 đưa tin, phần lớn trong hơn 100 triệu người trên toàn thế giới đã bình phục sau khi mắc COVID-19 đang chịu những tác động nặng nề về sức khỏe và nhiều người chưa thể trở lại làm việc. Dự báo sẽ có thêm nhiều người lâm vào tình trạng tương tự, từ đó kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh) đã thu thập thông tin của 1.170 người từng nhập viện vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 3 - 11/2020. Qua đó, họ nhận thấy, 17% trong số này không trở lại làm việc sau khi đã khỏi bệnh và xuất viện được 5 tháng; 19% thay đổi công việc do các tác động liên quan tới sức khỏe hậu COVID-19. Ngoài ra, 25% các doanh nghiệp tại Anh cho biết những tác động sau khi mắc căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao động nghỉ việc trong thời gian dài.
Viện Brookings tại Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo đó, viện nghiên cứu chính sách này cho biết tính đến tháng 11/2021, 15% trong tổng số 1.060.000 vị trí việc làm đang cần nhân sự để thay thế những lao động vắng mặt vì sức khỏe suy giảm hậu COVID-19. Điều này đồng nghĩa hơn 1,5 triệu người không trở lại làm việc do những quan ngại liên quan tới sức khỏe. Theo giới chuyên gia, các tác động hậu COVID-19 có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng nhất trong lịch sử.
Hôm 5/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Viện Y tế Quốc gia tiến hành nghiên cứu cấp quốc gia về các tác động hậu COVID-19 cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi mắc căn bệnh này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!