Một giám đốc điều hành làm việc với các công ty phương Tây ở Nga nói rằng nhiều công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga trong khoảng thời gian đầu khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, kể từ đó, đã có "sự thay đổi đáng chú ý trong tâm lý (của các doanh nghiệp)".
"Làn sóng hiện tại thiên về vấn đề bạn có thực sự phải rời đi hay bạn có muốn rời đi không. Một số công ty trong số này đã xây dựng 4 - 5 nhà máy trong hơn 30 năm qua. Họ sẽ không bán tài sản mà mình gây dựng với mức giảm giá tới 90%" - báo Financial Times dẫn lời giám đốc điều hành trên cho biết.
Việc các công ty phương Tây bán tài sản cho người mua ở Nga cần phải có sự chấp thuận của ủy ban chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov đứng đầu. Truyền thông Nga trước đó đưa tin Bộ Tài chính nước này đã áp dụng mức chiết khấu bắt buộc 50% đối với việc bán tài sản của các công ty từ các quốc gia "không thân thiện" và "thuế xuất cảnh" tối thiểu 15%.
IKEA đã bán tất cả tài sản tại Nga vào tháng 2/2023 (Ảnh: Shutterstock)
Theo dữ liệu sơ bộ do Dịch vụ Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ của Nga cũng được cho là một yếu tố khiến các công ty nước ngoài quyết định ở lại, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Moscow tăng 5,4% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.
Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. GDP Nga được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% - vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).
Theo Rosstat, tiền lương thực tế ở Nga đã tăng gần 8% vào năm 2023 - mức tăng lớn nhất trong 5 năm qua.
Mondelez, Unilever và Nestle nằm trong số những công ty chọn ở lại Nga. Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ" sản xuất bánh kẹo Mondelez gần đây đã nói với Financial Times rằng các cổ đông của công ty không "quan tâm về mặt đạo đức" liệu tập đoàn có rời khỏi thị trường Nga hay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 5 đã đặt mục tiêu đưa nước này đạt mức GDP cao thứ tư trên thế giới - tính theo sức mua tương đương - vào năm 2030. Chính phủ Nga đã công bố một loạt biện pháp nhằm chuyển đổi nền kinh tế đất nước và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, bao gồm cải cách lao động, khuyến khích kinh doanh, tăng hiệu quả và năng suất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!