Lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nhiều nước châu Á.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn sau tác động COVID-19, thị trường tiêu dùng tại Indonesia vẫn chưa thực sự phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng rằng dịp Tết Nguyên đán này sẽ phần nào thúc đẩy được đà tăng trưởng tiêu dùng, khi cộng đồng người dân nước này đang rất hào hứng chào đón Tết.
Ông Denny Abdi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam nói: "Tết Nguyên đán đã trở thành một trong những dịp lễ lớn tại Indonesia. Bên cạnh rất nhiều chương trình, khuyến mãi của doanh nghiệp, với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, Chính phủ Indonesia luôn sát cánh với các doanh nghiệp và tạo điều kiện chẳng hạn như mở thêm chợ và không gian mua sắm cho người dân trong dịp lễ này".
Người Indonesia gốc Hoa mua sắm tại một cửa hàng bánh kẹo ở khu phố Tàu, Jakarta, Indonesia. (Ảnh: CFP)
Trong khi đó, để hỗ trợ người dân đón Tết, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ chi 30 tỉ Won, (tương đương 24 triệu USD) và cùng với các doanh nghiệp bán lẻ có biện pháp để bình ổn giá các loại thực phẩm chính.
Ông Choo Kyung-ho, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc, cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng giảm giá đối với 16 mặt hàng thực phẩm được mua sắm nhiều trước Tết, bao gồm lê, táo, thịt lợn... bằng cách tăng nguồn cung lên 208.000 tấn thực phẩm, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay".
Ngoài ra, giới chức Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm giá điện, khí đốt để hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp trang trải chi phí sưởi ấm. Phí cầu đường cao tốc và đậu xe nơi công cộng cũng sẽ được miễn trong thời gian nghỉ lễ.
Còn tại Singapore, mỗi hộ gia đình đều có thể đăng ký nhận phiếu giảm giá mua hàng trị giá 300 SGD trong dịp Tết này. Đây là nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm hỗ trợ người dân trong thời kỳ bão giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!