Ngày 11/5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với đại dịch COVID-19. Đây cũng là thời điểm báo chí Mỹ, nơi có hơn 1,1 triệu người tử vong do đại dịch này, nhìn lại những thay đổi và bài học rút ra trong suốt ba năm qua. Theo đó, việc đưa ra những hướng dẫn không rõ ràng có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh và làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các tổ chức y tế.
Thứ hai, đó là việc ứng phó với loại virus biến đổi nhanh và gây ra những rủi ro khác nhau cho từng nhóm dân cư riêng đòi hỏi nguồn dữ liệu tốt hơn và được chia sẻ nhanh hơn.
Thứ ba, đó là cần phải cân nhắc kỹ việc đóng cửa trường học, bởi việc đóng cửa quá lâu đã gây ra những tổn hại cho sức khỏe tâm thần và trí tuệ của học sinh.
Trước đại dịch, dự trữ chiến lược quốc gia của Mỹ chú trọng ứng phó với khủng bố sinh học, dẫn đến việc thiếu trang thiết bị y tế trong giai đoạn đầu. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi để ứng phó tốt hơn với sự bùng phát của những chủng virus mới.
Bài viết cũng cho rằng, Chính phủ cần đầu tư vào phát triển vaccine sớm hơn nhưng đừng nên chỉ dựa hoàn toàn vào giải pháp này.
Cũng liên quan đến chủ đề này, một bài viết khá thú vị trên tờ Tạp chí Phố Wall đã tổng hợp những thay đổi trong cuộc sống của người dân Mỹ sau ba năm đại dịch.
Cụ thể là nhiều người Mỹ đã rời chốn phồn hoa đô thị ven biển về sống ở những vùng nông thôn ngoại ô và các bang miền Trung nước Mỹ. Rất nhiều người vẫn thích làm việc từ xa. Tỷ lệ lấp đầy của các văn phòng hiện chỉ bằng 1/2 so với trước đại dịch. Một số thói quen mua sắm trong đại dịch vẫn tiếp diễn, người ta chi tiêu nhiều hơn cho nhà ở, đồ dùng cá nhân và giải trí.
Số tiền người dân Mỹ chi cho mua hàng trực tuyến đã tăng gấp 4 lần, số người mua đồ ăn nhanh gia tăng trong khi số người ăn tại nhà hàng ít đi. Người Mỹ cũng có xu hướng giải trí tại nhà nhiều hơn.
Điểm kiểm tra của học sinh Mỹ sụt giảm sau giai đoạn dài học trực tuyến. Người Mỹ không còn đi khám bệnh thường xuyên như trước, số người khám bệnh trực tuyến gia tăng và phần lớn là các bệnh về sức khỏe tâm thần. Và người Mỹ cảm thấy ít hạnh phúc hơn trước. Một số cho biết mức độ hạnh phúc giảm mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!