Bất chấp nhiều thách thức mà nước Nga đang đối mặt cả về chính trị lẫn kinh tế, đại bộ phận người Nga vẫn tin tưởng và ủng hộ ông Putin trong vai trò Tổng thống. Đó cũng chính là ly do ông Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5 với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa kết thúc hôm 17/3/2024. Nhìn lại chặng đường 25 năm nắm quyền, ông Putin đã có một sự nghiệp chính trị lẫy lừng khi giúp nước Nga lấy lại vị thế một cường quốc đứng đầu thế giới với những thành tích đáng nể.
Ngày 9/8/1999, trong một chương trình truyền hình bất thường được cả nước Nga theo dõi trong sửng sốt, nhà lãnh đạo - Tổng thống đầu tiên của nước Nga độc lập Boris Yeltsin gọi tên người duy nhất mà ông tin tưởng để kế nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước - Vladimir Putin. Vào ngày cuối cùng của năm 1999, ông Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và chỉ định ông Vladimir Putin, Thủ tướng mà ông bổ nhiệm 4 tháng trước đó, làm quyền Tổng thống, mở đầu cho hơn 2 thập kỷ chèo lái nước Nga của ông Putin - một người gốc Leningrad (nay là St. Petersburg) và được sinh ra trong một gia đình có điều kiện khiêm tốn.
Đức Thượng phụ Alexi II chúc mừng ông Putin chính thức nhậm chức Tổng thống tại Điện Kremlin ở Moscow trước sự chứng kiến của ông Boris Yeltsin, ngày 7/5/2000. (Ảnh: AP)
Ông Putin được ông Yeltsin giao trọng trách nặng nề trong bối cảnh nước Nga trải qua nhiều xáo trộn sau khi Liên Xô tan rã, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994 - 1996). Sau hàng loạt vụ đánh bom khủng bố diễn ra trên toàn quốc, ông Putin quyết định mở chiến dịch tấn công phiến quân Chechnya, mở màn chiến tranh Chechnya lần thứ hai năm 2002.
Ngày 23/10/2002, nhóm khủng bố người Chechnya do đối tượng Movsar Baraev cầm đầu xông vào nhà hát ở Dubrovka ở Thủ đô Moscow, nơi đang công diễn vở nhạc kịch Nord-Ost. Tại đây, những kẻ khủng bố bắt giữ 916 người, bao gồm cả khán giả và nhân viên nhà hát làm con tin. Trong giây phút quyết định, Tổng thống Putin đã lệnh Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt đầu chiến dịch giải cứu con tin bằng cách bơm khí gây mê vào trong nhà hát, rồi tiến hành đột kích. Dù tất cả nhóm khủng bố đã bị tiêu diệt nhưng 130 con tin đã thiệt mạng trong thảm kịch này. Ông Putin từng nói vụ khủng bố tại nhà hát Dubrovka là một trong những phép thử lớn nhất mà ông phải đối mặt trong sự nghiệp chính trị của mình.
Cảnh sát giải cứu con tin trong vụ khủng bố tại nhà hát Dubrovka năm 2002 (Ảnh: AP)
Tháng 3/2004, ông Putin được bầu làm Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai.
Cuộc chiến ở Chechnya được ông dồn sự tập trung và kết thúc vào năm 2009. Việc khép lại chiến tranh Chechnya lần thứ hai đem lại uy tín không nhỏ cho ông Putin, mặc dù đôi khi vẫn có những ý kiến và tranh cãi về mức độ thành công.
Ông Putin trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai tại Điện Kremlin ngày 7/5/2004 (Ảnh: AP)
Vài tháng sau khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ngày 1/9/2004 - ngày khai giảng năm học mới tại Nga, hơn 30 tên khủng bố xông vào trường tiểu học tại thị trấn Beslan thuộc khu vực Bắc Ossetia và bắt giữ 1.200 con tin. Những kẻ khủng bố liên tiếp sát hại trẻ em và giáo viên, bất chấp lời kêu gọi của Chính phủ Nga. Thảm kịch kết thúc đẫm máu vào ngày 3/9 khi lực lượng đặc nhiệm Nga không còn cách nào khác ngoài tiến vào đấu súng với những kẻ khủng bố. Hơn 330 người đã thiệt mạng, trong đó có 186 trẻ em. Ông Putin từng nói về vụ việc: "Đó là một nỗi đau to lớn, của tôi và toàn thể đất nước này. Nỗi đau đó sẽ không bao giờ chấm dứt".
Tổng thống Putin đến thăm một nạn nhân của vụ khủng bố Beslan đang điều trị trong bệnh viện, ngày 4/9/2004 (Ảnh: AP)
Do những giới hạn của Hiến pháp Nga, năm 2008, Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev được bầu làm người kế nhiệm ông Putin. Cuộc chuyển giao quyền lực cũng đánh dấu việc ông Putin trở lại ghế Thủ tướng sau 8 năm, song vẫn tiếp tục duy trì ưu thế và ảnh hưởng của mình trong chính trường.
Ông Putin và ông Dmitry Medvedev (Ảnh: AP)
Từ ngày 8 - 12/8/2008, Nga tiến hành một cuộc chiến chớp nhoáng với Georgia, giành quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Chỉ 2 tháng sau cuộc chiến, Thủ tướng Putin đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội đầy tham vọng với chi phí ước tính lên đến 700 tỉ USD. Chiến tranh Nga - Georgia chính là điểm quan trọng đối với quan hệ Mỹ - Nga và an ninh châu Âu. Cuộc xung đột ngắn ngủi này có thể xem là dẫn đến kết thúc giai đoạn "hòa dịu" sau Chiến tranh Lạnh.
Ngày 4/3/2012, ông Putin được bầu vào nhiệm kỳ Tổng thống mới, kéo dài 6 năm sau đó là những thay đổi hiến pháp do ông chính ông "thiết kế". Các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người trước cuộc bỏ phiếu và vào đêm trước lễ nhậm chức của ông đã dẫn đến luật trừng phạt cứng rắn hơn đối với các cuộc biểu tình chính trị trái phép.
Ông Putin rơi nước mắt khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 4/3/2012, tại quảng trường Manezh bên ngoài Điện Kremlin (Ảnh: AP)
Ngày 7/2/2014, lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Sochi diễn ra tại Nga - một dự án tốn kém có uy tín mà ông Putin góp phần mang lại chiến thắng trên mặt trận văn hóa - thể thao cho nước Nga.
Ngày 18/3/2014, sau khi Tổng thống Ukraine thân Nga bị lật đổ trong bối cảnh các cuộc biểu tình đẫm máu nổi lên ở Kiev, Moscow đã quyết định sáp nhập bán đảo Crimea. Một cuộc trưng cầu dân ý nhanh chóng được tổ chức trên bán đảo tách khỏi Ukraine. 1 năm sau, Putin thừa nhận rằng ông đã lên kế hoạch sáp nhập từ trước đó.
Tháng 4/2014, giao tranh giữa lực lượng Ukraine và phiến quân ly khai được Nga hậu thuẫn bắt đầu ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Putin tham dự cuộc duyệt binh đánh dấu Ngày Chiến thắng ở Sevastopol, ngày 9/5/2014, nơi có căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea. (Ảnh: AP)
Ngày 27/2/2015, Boris Nemtsov - một nhân vật hàng đầu của phe đối lập chính trị đang bị bao vây ở Nga, bị bắn hạ trên một cây cầu cạnh Điện Kremlin. Ngày 30/9/2015, Nga bắt đầu các cuộc không kích ở Syria, điều mà ông Putin gọi là cần thiết để tiêu diệt các nhóm khủng bố. Hành động này giúp Tổng thống Syria Bashar Assad, một đồng minh lâu năm của Nga, duy trì quyền lực.
Ngày 15/5/2018, ông Putin khánh thành cây cầu dài 18km nối Nga với Crimea, củng cố sự sáp nhập Moscow. Cây cầu này sau đó trở thành mục tiêu tấn công trong cuộc chiến với Ukraine.
Ngày 16/7/2018, Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, nơi ông Trump được hỏi về những cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 nhằm giúp đưa ông lên nắm quyền. Ông Trump đã bác bỏ những tuyên bố này và nói rằng ông Putin "cực kỳ mạnh mẽ trong việc phủ nhận".
Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)
Ngày 1/7/2020, diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý thông qua những thay đổi hiến pháp do Putin đề xuất, cho phép ông tranh cử thêm hai nhiệm kỳ bắt đầu từ năm 2024.
Tháng 2/2022, Nga mở chiến dịch ở Ukraine, động thái bị phương Tây chỉ trích mạnh mẽ và áp thêm lệnh trừng phạt, như thiết lập giá trần với dầu, loại Nga khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán giữa các ngân hàng trên thế giới... Trong những tháng đầu chiến sự, làn sóng trừng phạt chưa từng có từ phương Tây đẩy kinh tế Nga vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, khi đồng Ruble lao dốc, người dân ồ ạt rút tiền và loạt doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga. Nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng suy giảm do các biện pháp hạn chế từ phương Tây. Nhưng Nga dần thích ứng với các lệnh trừng phạt, chuyển hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Nguồn tài nguyên khổng lồ là bệ đỡ vững chắc cho kinh tế nước này. Ưu tiên chi tiêu ngân sách của Nga cũng thay đổi, với quốc phòng được chú trọng nhiều hơn các lĩnh vực khác.
Tháng 9/2023, ông Putin tuyên bố kinh tế Nga đã phục hồi về giai đoạn trước chiến sự, sau thời gian chống chịu áp lực chưa từng thấy từ phương Tây. Tổng cục Thống kê Liên bang Nga (RosStat) ước tính GDP năm 2023 tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt mức 3,6%.
Ngày 17/3/2024, theo kết quả sơ bộ từ Ủy ban bầu cử Trung ương Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5 sau khi giành 87,3% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng tại trụ sở chiến dịch tranh cử tại Moscow tối 17/3/2024, ông Putin nhận định nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng ông cam kết sẽ làm hết sức để giải quyết các nhiệm vụ của đất nước và đạt mục tiêu mà tất cả mọi người ưu tiên.
Ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga lần thứ 5 (Ảnh: AP)
Sau gần 25 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Nga đã đưa đất nước thay đổi về mọi mặt, củng cố vị thế của nước Nga trên toàn thế giới. Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống lần này, theo nhận định của giới chuyên gia, cho thấy sự gắn kết và ổn định nội bộ - điều mà trong điều kiện tình hình quốc tế phức tạp và Nga đang chịu nhiều sức ép như hiện nay, là quan trọng nhất đối với nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!