Những động thái mới làm "chảo lửa" Trung Đông nóng rực

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 15/10/2024 13:30 GMT+7

VTV.vn - "Chảo lửa" Trung Đông thêm nóng với các diễn biến phức tạp mới, có nguy cơ đẩy vòng xoáy xung đột leo thang.

Gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông

Mỹ hôm 13/10 cho biết sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel để bảo vệ đồng minh. Trong bối cảnh các cuộc tấn công trên thực địa chưa chấm dứt, động thái mới của Mỹ và việc Israel cảnh báo về nguy cơ tấn công đáp trả Iran đang tiếp tục làm leo thang căng thẳng tại Trung Đông.

Hôm 13/10, tại bang Floria, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã đồng ý triển khai hệ thống THAAD "để bảo vệ Israel". Theo Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ sẽ điều động khoảng 100 quân đến Israel để vận hành hệ thống này.

Nhiệm vụ trên đánh dấu đợt triển khai quân đáng kể đầu tiên tới Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng phát và diễn ra chỉ 3 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong đó, sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột đã trở thành vấn đề gây chia rẽ trong chiến dịch tranh cử.

Hành động này nhấn mạnh cam kết sắt đá của Mỹ trong việc bảo vệ Israel và bảo vệ người Mỹ ở Israel khỏi bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào khác của Iran

Trong khi đó, Israel cảnh báo sẽ đáp trả lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hôm 1/10.

Các quan chức Mỹ cho biết dù chưa thông tin về thời điểm tấn công nhưng Israel đã thu hẹp mục tiêu trả đũa, dự kiến tập kích các căn cứ quân sự và hạ tầng năng lượng của Iran.

Những động thái mới làm chảo lửa Trung Đông nóng rực - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Ông Yoav Gallant - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel - nói: "Cũng giống như chúng ta đã làm cho đến bây giờ trong cuộc chiến trên mọi mặt trận khác, bất kỳ ai tấn công chúng ta sẽ phải trả giá".

Về phần mình, trước khi Mỹ thông báo triển khai hệ thống THAAD, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cảnh báo Mỹ đang đặt tính mạng của quân đội nước mình vào vòng nguy hiểm. Đồng thời, ông Abbas Araqch khẳng định Iran đã nỗ lực để ngăn cuộc chiến toàn diện khu vực, nhưng cũng sẵn sàng cho chiến tranh và sẽ không có "ranh giới đỏ" nào trong việc bảo vệ người dân và lợi ích của Iran.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi phát biểu: "Như tôi đã nói, khu vực này đang trong tình trạng khủng hoảng và nguy cơ xung đột cũng như căng thẳng gia tăng là rất cao. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Chúng tôi đã sẵn sàng cho chiến tranh, nhưng chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho hòa bình".

Trên thực địa, xung đột tiếp tục diễn ra trên nhiều mặt trận. Ngày 14/10, lực lượng Israel đã mở rộng hoạt động quân sự ở khu vực Bắc Gaza, tấn công một số khu vực của quận Sheikh Radwan. Cùng ngày, Israel cũng đã tiến hành một vụ không kích nhằm vào một số lều trại của những người Palestine phải sơ tán bên trong bệnh viện Al-Aqsa tại thành phố Deir Al-Balah ở trung tâm Dải Gaza, khiến 3 người thiệt mạng.

Trong khi đó, lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng đã tiến hành một vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ quân sự gần Binyamina ở miền Bắc Israel vào tối 13/10, khiến 4 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Những động thái mới làm chảo lửa Trung Đông nóng rực - Ảnh 2.

(Ảnh: AP)

Cục diện khu vực Trung Đông hiện nay

Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tại Israel diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu hồi giữa tuần trước. Theo thông tin được đưa ra cho báo chí, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh quan điểm với Thủ tướng Israel, theo đó hành động đáp trả của Israel nhằm vào Iran chỉ ở mức độ tương ứng với cuộc không kích của Iran trước đó nhằm vào Israel.

Như vậy, có thể hiểu nếu cuộc tấn công đó xảy ra, Washington kỳ vọng nó sẽ không nhằm vào các mục tiêu dân sự, mục tiêu nhạy cảm như cơ sở hạt nhân hay dầu mỏ và không gây thương vong. Tuy nhiên, nay Mỹ lại triển khai hệ thống tên lửa tối tân của mình tại Israel. Những tuyên bố và hành động nối tiếp nhau làm dấy lên lo ngại rằng có thể đã có những thông điệp phía Israel ngầm gửi cho Mỹ về một kế hoạch tấn công sắp xảy ra nhằm vào Iran.

Mỹ lo ngại cuộc tấn công có thể sẽ đẩy Iran và Israel vào một vòng xoáy "ăn miếng trả miếng". Tất nhiên tất cả mới chỉ là phỏng đoán, nhưng cũng cần lưu là trong cuộc không kích của Iran nhằm vào Israel hồi đầu tháng 10 này, Tehran tuyên bố đã sử dụng các tên lửa siêu thanh. Tên lửa siêu thanh là một loại vũ khí đặc biệt tối tân, đạt được tốc độ gấp 5 lần âm thanh và có thể tự điều hướng sau khi được phóng ra.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối là một hệ thống lá chắn tên lưa ưu tú của quân đội Mỹ và hệ thống này nay đã được Mỹ triển khai tại Israel. Giới chuyên gia quân sự cho rằng có thể Mỹ đang chuẩn bị sẵn cho kịch bản xấu nhất - một kịch bản mà Iran và Israel có thể phải đem hết các công nghệ quân sự cao cấp nhất của mình nhằm vào nhau.

Những động thái mới làm chảo lửa Trung Đông nóng rực - Ảnh 3.

(Ảnh: AP)

Rủi ro từ hoạt động can thiệp quân sự của Mỹ tại Trung Đông

Giới chức Mỹ trong thời gian qua đã không ngừng hối thúc phía Israel kiềm chế trong các hành động của mình nhằm tránh nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, nay Mỹ lại gửi một trong những hệ thống lá chắn tên lửa ưu tú nhất của mình tới Israel. Nếu xét về l‎ý, việc gửi một hệ thống phòng thủ tới Israel không là một hành động răn đe tới Iran.

Dư luận Iran ví hành động này của Mỹ như "một người vừa khuyên bạn không nên đánh nhau, nhưng ngay sau đó lại nhắn nhủ nếu có đánh nhau thì tôi sẽ bảo vệ bạn hết sức". Điều này vô hình trung sẽ kích thích các bên sẵn sàng cho một cuộc chiến. Tất nhiên đây chỉ là một góc nhìn và không hẳn là một góc nhìn toàn diện.

Tuy nhiên, dễ thấy điều mà Trung Đông cần nhất trong lúc này là sự kiềm chế, và mỗi bên đều ý thức được rõ rằng bất cứ hành động nào cũng có thể đẩy an ninh của khu vực và chính nước đó vào tình thế không thể lường hết.

Các chuyên gia nhận định những động thái mới của Mỹ có thể mang các ý nghĩa chính trị, nhưng Mỹ cũng muốn Israel hạn chế các biện pháp trả đũa Iran nhằm tránh đẩy xung đột leo thang hơn nữa. Việc triển khai THAAD cùng với các biện pháp chuẩn bị khác có thể khiến lãnh đạo Israel dễ tiếp nhận hơn các yêu cầu của Mỹ.

Trong khi đó, Iran vẫn tìm cách tránh một cuộc chiến trực tiếp với Mỹ, khiến việc triển khai lực lượng Mỹ tới Israel trở thành một yếu tố bổ sung trong tính toán của nước này trong tương lai.

Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD đến Israel Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD đến Israel Lo ngại Israel tấn công trả đũa, Iran nỗ lực ngoại giao ngăn chiến tranh lan rộng Lo ngại Israel tấn công trả đũa, Iran nỗ lực ngoại giao ngăn chiến tranh lan rộng Iran chuẩn bị toàn diện cho mọi tình huống chiến tranh với Israel Iran chuẩn bị toàn diện cho mọi tình huống chiến tranh với Israel

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước