Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thanh Hiệp (VTV24)-Thứ tư, ngày 11/12/2019 10:28 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày qua, việc Tổng thống Donald Trump sử dụng điện thoại cá nhân để thực hiện các cuộc gọi đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ.

NHỮNG TRANH CÃI XUNG QUANH CHIẾC ĐIỆN THOẠI CỦA TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP

Thanh Hiệp (VTV24)

Chiếc điện thoại cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ, sau khi cuộc điều tra luận tội Tổng thống của phe Dân chủ đang làm hé lộ những rủi ro về tính bảo mật và sự dễ bị tổn thương trong hoạt động liên lạc của Tổng thống Donald Trump. Lời khai của các nhân chứng cho thấy, một số quan chức hàng đầu đã nhiều lần không tuân theo các giao thức được thiết kế nhằm bảo vệ những cuộc nói chuyện nhạy cảm, đặc biệt là có sự tham dự của Tổng thống Mỹ, trước hoạt động do thám của tình báo nước ngoài.

Cuộc khẩu chiến giữa CNN và Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục sử dụng điện thoại cá nhân để thực hiện các cuộc gọi, bất chấp những cảnh báo an ninh từ các trợ lý rằng việc này có thể khiến ông dễ dàng trở thành mục tiêu do thám của nước ngoài. Đó là thông tin vừa được CNN đưa ra cuối tuần qua. Hãng tin này dẫn lời một số cựu quan chức Mỹ cho biết, nhiều khả năng cuộc gọi bằng điện thoại di động của Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland cho Tổng thống Trump từ một nhà hàng ở Ucraina hồi mùa hè vừa qua đã bị nhiều cơ quan tình báo của nước ngoài (trong đó có Nga) nghe được.

Theo một cựu quan chức Mỹ, thông thường, một đại sứ Mỹ sẽ phải thực hiện cuộc gọi cho Tổng thống thông qua đường dây an toàn từ đại sứ quán. Các cuộc gọi thông qua điện thoại di động kém an toàn hơn nhiều so với đường dây này. Vụ việc càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là Sondland đã thực hiện cuộc gọi ở địa điểm công cộng tại nước ngoài – nơi có thể dễ dàng bị nghe trộm bởi các cơ quan tình báo đối thủ.

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 1.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, Tổng thống Donald Trump đã phản pháo trên twitter cá nhân: "Tin bịa đặt! CNN đang nói rằng tôi vẫn sử dụng điện thoại di động cá nhân để thực hiện các cuộc gọi, bất chấp hàng loạt cảnh báo an ninh. Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Tôi đã không có điện thoại di động cá nhân trong mấy năm nay rồi. Chỉ sử dụng điện thoại được chính phủ cấp. Hãy rút tin lại ngay!"

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 2.

Tuy nhiên, 1 trong số các tác giả bài báo - phóng viên Zachary Cohen của CNN ngay lập tức hồi đáp rằng, CNN vẫn tin tưởng vào độ xác thực trong thông tin của mình.

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 3.

Những cuộc gọi dễ bị nghe lén

Báo cáo điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ được công bố mới đây cho thấy có nhiều cuộc liên lạc điện thoại giữa nhà báo bảo thủ John Solomon, ông Rudy Giuliani - cựu thị trưởng New York và hiện là luật sư riêng của Tổng thống Trump, doanh nhân Mỹ gốc Ucraina Lev Parnas, ông Devin Nunes (Cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ) và Văn phòng ngân sách Nhà Trắng.

Lịch sử cuộc gọi của ông Giuliani cho thấy chúng dường như không được gọi thông qua đường dây an toàn hay được mã hóa thông qua các ứng dụng như Signal, Whatsapp. Thậm chí nếu Tổng thống Trump dùng điện thoại di động có độ bảo mật cao để gọi cho luật sư Giuliani (cựu thị trưởng New York) thì đường dây không an toàn của Giuliani cũng làm gia tăng mức độ lo ngại về vấn đề bảo mật.

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 4.

"Tất cả thiết bị liên lạc của tất cả quan chức chính phủ cấp cao đều bị các chính phủ nước ngoài nhắm đến. Điều này không có gì mới. Điều mới là trong kỷ nguyên điện thoại di động hiện nay, rất dễ can thiệp vào chúng. Dĩ nhiên, cuộc gọi chỉ an toàn khi cả hai bên sử dụng thiết bị an toàn", ông Bryan Cunningham, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Chính sách an ninh mạng – Đại học California-Irvine, nói với CNN.

Lịch sử cuộc gọi không thể hiện tên của ông Trump nhưng Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff kết nối một số điện thoại "không xác định" được đặt tên đơn giản là "-1" trong lịch sử cuộc gọi tới tổng thống. Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện nói với CNN rằng, họ không biết "-1" là ai.

Thuận tiện hay an ninh?

Vấn đề điện thoại cá nhân của Tổng thống Donald Trump từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi. Theo CNN, nhà lãnh đạo Mỹ được cấp một số chiếc điện thoại di động cá nhân để sử dụng. Loại điện thoại này được cho là kém an toàn hơn nhiều so với điện thoại cố định trong Nhà Trắng dành cho các Tổng thống Mỹ. Do đó, ông Trump được khuyến cáo hạn chế sử dụng điện thoại này để đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên báo Bưu điện Washington dẫn lời một số cựu quan chức Mỹ cho hay, ông Trump từng đưa số điện thoại di động riêng cho Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Không rõ liệu ông từng nói chuyện với các nhà lãnh đạo trên bằng điện thoại di động của mình hay chưa. Thậm chí ông Trump còn dùng đường dây điện thoại cá nhân của mình để gọi điện thoại trực tiếp với người nhận mà ngay cả các trợ lý hàng đầu của Nhà Trắng cũng không biết.

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 5.

Hồi tháng 5/2018, trang mạng Politico từng chỉ ra rằng, Tổng thống Trump đã sử dụng 2 chiếc iPhone do chính phủ cấp không có đầy đủ các tính năng bảo mật. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng từ chối một khuyến cáo của các trợ lý về việc nên đổi điện thoại di động hàng tháng để tránh bị theo dõi, với lý do "quá bất tiện."

Tháng 10 năm ngoái, tờ Thời báo New York cảnh báo các điệp viên Trung Quốc và Nga đã có thể nghe lén các cuộc gọi của Tổng thống Trump gọi bằng điện thoại di động cá nhân của ông, từ đó thu thập thông tin mà họ có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ. Tờ báo này cũng trích dẫn lại vụ việc một chiếc điện thoại riêng của Tổng thống Trump đã bị bỏ lại trên chiếc xe đánh golf khi ông đến thăm câu lạc bộ golf của mình ở Bedminster, New Jersey, khiến các nhân viên phải náo loạn đi tìm.

Một số quan chức cao cấp cho biết, trong giai đoạn đầu nắm quyền, Tổng thống Donald Trump từng đồng ý ngừng sử dụng thiết bị di động cá nhân, nhưng đã đổi ý sau khi nhận thấy, tất cả các cuộc gọi của mình thông qua thiết bị được cấp có thể bị giám sát thông qua lịch sử cuộc gọi.

Tái diễn vụ bê bối email của Hillary Clinton?

Câu chuyện sử dụng điện thoại cá nhân của người đứng đầu Nhà Trắng khiến người ta nhớ lại một vụ việc tương tự, liên quan đến sử dụng phương tiện liên lạc cá nhân cho hoạt động công việc.

Hồi năm 2016, giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bất ngờ mở lại cuộc điều tra bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân vào mục đích công việc của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà còn tại nhiệm. Bà Clinton bị phát hiện đã không sử dụng và thậm chí cũng không hề kích hoạt tài khoản email với đuôi state.gov, mà nếu có sẽ được đặt trên một máy chủ do chính phủ Mỹ sở hữu và quản lý. Điều này được nhiều người cho là tiềm ẩn rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 6.

Một trong những lời giải thích được bà Hillary đưa ra khi đó là vì "tính thuận tiện". Điều này dĩ nhiên không thể làm hài lòng ông Donald Trump – đối thủ chính của bà trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Vị tỷ phú Mỹ đã không bỏ lỡ cơ hội hạ bệ kình địch khi tỏ ra cực kỳ tức giận trước vụ bê bối này, gọi đây chẳng khác gì một vụ "Watergate thứ 2". Ông thậm chí còn khẳng định rằng, bà Hillary xứng đáng phải ngồi tù, thay vì trở thành Tổng thống Mỹ sau khi để xảy ra điều này.

Vụ việc trên thực tế đã làm xấu đi đáng kể hình ảnh của bà Hillary trong mắt một bộ phận cử tri Mỹ. Mặc dù sau đó Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố không tìm thấy bằng chứng phạm tội của bà Hillary, giấc mơ trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ mà vị cựu đệ nhất phu nhân này mong chờ cũng đã không thể trở thành hiện thực.

Những tranh cãi xung quanh chiếc điện thoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 7.

Trớ trêu thay, Tổng thống Trump – người từng coi việc bà Hillary sử dụng thư điện tử cá nhân vào mục đích công việc là "hết sức nghiêm trọng", giờ đây cũng đang phải đối mặt với một hoàn cảnh tương tự, chỉ bởi muốn sử dụng chiếc điện thoại di động cá nhân cho "thuận tiện". Mặc dù quy mô của vụ việc lần này có thể khiêm tốn hơn so với vụ bê bối của bà Hillary Clinton, đây rõ ràng là một điểm yếu mà các đối thủ của ông Trump có thể tận dụng để công kích nhà lãnh đạo Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm tới, đúng như cách ông đã từng làm hồi năm 2016 với đối thủ của mình.

Nguồn: CNN, New York Times, Washington Post, The Hill, The Politico, Washington Times, Huffpost

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước