Đây là thông tin đáng quan ngại không chỉ đối với các bậc phụ huynh mà còn đối với giới chuyên gia y tế và các chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 mới chỉ tạm lắng trong thời gian gần đây.
Anh là nước đầu tiên xuất hiện và chứng kiến sự gia tăng đáng kể các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ. Ngày 5/4, nước này báo cáo 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền Trung Scotland.
Chỉ vài ngày sau, ngày 8/4, con số này đã tăng đột biến, lên 74 trường hợp trên toàn Vương quốc Anh. Và đến thời điểm này, sau một tháng, số ca mắc viêm gan cấp tính nặng ở Vương quốc Anh là hơn 140 trường hợp.
Trên toàn cầu đến nay đã ghi nhận tổng cộng gần 300 trường hợp trẻ em mắc viêm gan cấp tính tại 20 quốc gia. Các ca nhiễm tập trung chủ yếu tại châu Âu. Tuy nhiên, một số trường hợp đã được báo cáo tại châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Đa số các trường hợp mắc căn bệnh viêm gan bí ẩn này là trẻ em dưới 10 tuổi. Một số bị viêm gan nặng đến mức cần ghép gan. Riêng tại Indonesia đã ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhi tử vong nghi ngờ do bệnh viêm gan cấp tính.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Các triệu chứng của viêm gan cấp tính bao gồm đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, vàng da, viêm gan cấp tính nặng và tăng nồng độ men gan".
Hiện các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đang thu thập các báo cáo để đi tìm lời giải về sự gia tăng bí ẩn của các trường hợp viêm gan cấp tính này.
Ông Enrique Perez, Giám đốc sự cố tại Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), nói: "Các nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm gan là virus viêm gan A, B, C và D và E đã được loại trừ sau các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm".
Theo bà Philippa Easterbroo, nhà khoa học thuộc Chương trình HIV, Viêm gan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục toàn cầu của WHO: "Dường như không có bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào đến một loại thực phẩm cụ thể hoặc các yếu tố phơi nhiễm thông thường, chẳng hạn qua thuốc hay đi du lịch. Và quan trọng, không có gì chứng minh mối liên hệ giữa viêm gan cấp tính với vaccine ngừa COVID -19, vì phần lớn trẻ em không được tiêm vaccine COVID-19".
Một số giả thuyết đang nghiêng về khả năng xuất hiện một chủng virus adeno mới, hay tiền sử trẻ từng nhiễm virus SARS-Cov-2, thậm chí là sự kết hợp giữa virus adeno và SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn này.
Trong bối cảnh những cuộc điều tra và nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, các chuyên gia khuyến cáo, việc tiêm nhắc lại vaccine phòng viêm gan cho trẻ cũng như bảo đảm vệ sinh cá nhân là hết sức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!