Cụ thể, hôm 7/7, núi lửa Etna đã phun trào trở lại, phóng dung nham nóng đỏ, kèm tro bụi và khói đen bao phủ khắp bầu trời. Hình ảnh được ghi lại cho thấy những cột dung nham từ miệng hố Voragine của núi lửa Etna phun trào làm sáng rực cả bầu trời đêm, kèm theo tro bụi phủ khắp ngọn núi này.
Theo truyền thông địa phương, hoạt động của núi lửa cao khoảng 3.300 mét nằm trên đảo Sicily của Italy này đã gia tăng trong vài ngày qua.
Etna là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Âu (Ảnh: AFP)
Theo ước tính từ văn phòng khu vực của Viện Địa vật lý và núi lửa quốc gia Italy (INGV) ở Catania, cột tro bụi phun lên không trung từ miệng núi lửa Etna đạt độ cao khoảng 4,5 km và di chuyển theo hướng Đông Nam.
Do mây tro bụi núi lửa dày đặc, INGV đã đưa ra cảnh báo đỏ đối với các máy bay bay qua khu vực này.
Hình ảnh cho thấy vụ phun trào của núi lửa Etna vào ngày 7/7 năm 2024 tại Sicily (Ảnh: AFP)
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy phối hợp với Văn phòng Thủ tướng nước này cũng ban hành cảnh báo màu vàng đối với hoạt động của núi lửa Etna.
Người dân ở thành phố Catania và các thành phố xung quanh có thể quan sát thấy núi lửa Etna hoạt động với tro bụi và dung nham phun trào. Tro bụi núi lửa cũng đã rơi xuống thành phố Catania.
Sau khi hoạt động vào ngày 4/7, núi lửa Etna lại phun trào lần nữa trong ngày 7/7 (Ảnh: AFP)
Etna là ngọn núi lửa cao nhất châu Âu và được cho là có lịch sử phun trào lâu đời nhất với các ghi chép có niên đại từ năm 425 trước Công nguyên. Lần cuối núi lửa phun trào mạnh mẽ với tro và dung nham là vào tháng 12/2023.
Sau khoảng thời gian "ngủ yên", Etna cùng núi lửa Stromboli của Italy đã hoạt động trở lại từ đầu tuần này, buộc Rome phải nâng cảnh báo trên đảo Sicily và đóng cửa tạm thời sân bay tại đây.
Sân bay Catania ở Sicily thông báo đóng cửa hôm 7/7 do ảnh hưởng từ vụ phun trào của núi Etna (Ảnh: AFP)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!