Núi lửa Etna được bao phủ phần lớn bởi các dòng dung nham tích tụ theo thời gian. (Ảnh: AP)
Đây là thông tin do Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy (INGV), tọa lạc dưới chân núi Etna ở Catania, Sicily, đưa ra.
Sự phát triển đột ngột về độ cao của núi Etna nói trên là kết quả sau khoảng 50 vụ phun trào tại miệng núi lửa phía Đông Nam kể từ ngày 16/2/2021, dẫn đến "sự biến đổi hình dạng có thể nhận thấy của núi lửa", INGV đưa tin trong một tuyên bố ra ngày 10/8.
Etna là núi lửa cao nhất và hoạt động mạnh nhất ở châu Âu. (Ảnh: AP)
Các nhà khoa học đã phát hiện ra sự phát triển độ cao mang tính bùng nổ này trong quá trình phân tích các hình ảnh do vệ tinh Pléiades chụp ảnh Trái đất vào ngày 13/7 và ngày 25/7. INGV lưu ý, dữ liệu có độ sai số khoảng 3 m (10 feet).
Trên thực tế, miệng núi lửa phía Đông Nam hiện cao hơn miệng núi lửa phía Đông Bắc, đỉnh cao nhất trên núi Etna trong 40 năm qua.
Ảnh núi Etna do vệ tinh Pléiades chụp vào ngày 13/7 (A) và 25/7 (B). (Ảnh: Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy)
Sau khi miệng núi lửa phía Đông Bắc phun trào vào năm 1980 và 1981, núi Etna đạt độ cao tối đa là 3.350 m (10.990 feet). Tuy nhiên, chiều cao này giảm dần theo năm tháng khi các cạnh của miệng núi lửa dần sụp xuống. Đến mùa hè năm 2018, miệng núi lửa phía Đông Bắc chỉ còn cao 3.326 m (10.912 feet).
Theo Đài quan sát Trái đất của NASA, núi Etna được cho là có xuất phát điểm từ một ngọn núi lửa ngầm, cao dần lên so với mực nước biển khi nó phun trào, tăng dần độ cao với các lớp dung nham đông đặc. Hiện núi lửa Etna được bao phủ phần lớn bởi các dòng dung nham tích tụ theo thời gian từ nhiều vụ phun trào núi lửa xảy ra cách đây 300.000 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!